Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 8/2020, Đỗ Viết Lợi và chị Lang Thị Hồng quen biết và nảy sinh tình cảm yêu đương mặc dù hai bên đã có gia đình, đến tháng 10/2022, chị Hồng chủ động chấm dứt mối quan hệ nhưng Lợi không đồng ý. Bức xúc vì níu kéo tình cảm không thành nên Đỗ Viết Lợi nảy sinh ý định tạt a xít nhằm mục đích hủy hoại dung nhan để chị Hồng không yêu ai được nữa.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên phòng 7 VKSND tỉnh tại phiên tòa phúc thẩm hình sự. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Đỗ Viết Lợi đã thuê Lê Xuân Anh và Lê Văn Cường mua a xít để tạt vào mặt chị Hồng. Ngày 18/1/2023, khi thấy chị Hồng chở theo chị M. (chị gái chị Hồng) phía sau và cháu Bùi Phi H. (con trai chị Hồng) ngồi phía trước, Xuân Anh đã gọi điện cho Lợi báo trên xe có cả trẻ em nhưng Lợi vẫn chỉ đạo Xuân Anh và Cường tạt a xít vào người chị Lang Thị Hồng.

Hậu quả, chị Hồng bị tổn thương 22% cơ thể, chị M. bị tổn thương 27% cơ thể, cháu Bùi Phi H. bị tổn thương 24% cơ thể.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 23/2023/HSST ngày 27/7/2023 của TAND huyện Thường Xuân tuyên các bị cáo: Đỗ Viết Lợi, Lê Xuân Anh, Lê Văn Cường phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 3 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, việc Tòa án không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội vì động cơ đê hèn” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 BLHS đối với bị cáo Đỗ Viết Lợi và áp dụng Điều 54 BLHS đối với các bị cáo Đỗ Viết Lợi, Lê Xuân Anh để xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là không đúng pháp luật, không tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Ngày 23/8/2023, VKSND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm số 10/QĐ-VKS-P7 đối với bản án hình sự sơ thẩm số 23/2023/HSST ngày 27/7/2023 của TAND huyện Thường Xuân. Nội dung kháng nghị và quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm khẳng định:

Thứ nhất, mặc dù đều đã có gia đình nhưng Đỗ Viết Lợi vẫn không đồng ý chấm dứt mối quan hệ tình cảm với chị Lang Thị Hồng, bức xúc vì nhiều lần níu kéo tình cảm nhưng không được nên Lợi đã thuê người tạt a xít nhằm mục đích hủy hoại dung nhan để chị Hồng không yêu ai được nữa. Như vậy, Đỗ Viết Lợi đã thực hiện hành vi phạm tội với động cơ rất xấu xa, thấp hèn. Vì vậy, phải xác định đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội vì động cơ đê hèn” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 BLHS.

Thứ hai, bị cáo Đỗ Viết Lợi và Lê Xuân Anh có 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng các bị cáo đều phải chịu 3 tình tiết định khung tăng nặng là: “b. Dùng a xít nguy hiểm”, “c. Đối với người dưới 16 tuổi”, “h. Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê”; bị cáo Lợi còn thêm 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội vì động cơ đê hèn” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 BLHS. Đỗ Viết Lợi là người chủ mưu, cầm đầu, Lê Xuân Anh là người thực hành tích cực.

Do đó, bản án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS, xử phạt Đỗ Viết Lợi 36 tháng tù, Lê Xuân Anh 32 tháng tù (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt) là không tương xứng với tính chất mức độ phạm tội của các bị cáo. Cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc trong khung hình phạt đối với các bị cáo Đỗ Viết Lợi và Lê Xuân Anh mới đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội và quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện.

Tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm TAND tỉnh Thanh Hóa đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh, sửa bản án hình sự sơ thẩm, tăng hình phạt đối với bị cáo Đỗ Viết Lợi từ 36 tháng tù lên 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Lê Xuân Anh từ 32 tháng tù lên 5 năm tù./.

Thu Huyền - Bình Minh