|
|
Cơ quan Công an bắt tạm giam đối với một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động chơi hụi tại Cà Mau. |
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc chơi hụi ngày càng gia tăng với đa số chủ hụi và hụi viên là phụ nữ. Theo thống kê của VKSND tỉnh Cà Mau, trong 3 năm (2018, 2019 và 2020) chỉ tính riêng loại án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh liên quan đến hình thức chơi hụi có đến 26 vụ/27 bị can và có 1.313 bị hại, số tiền bị chiếm đoạt là 47.005.523.000 đồng.
Chỉ riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, số vụ án giải quyết thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là 28 vụ; đã khởi tố 21 bị can với 2031 bị hại, số tiền chiếm đoạt là 49.118.792.000 đồng. Trong số này, các vụ việc xảy ra nhiều nhất là ở huyện Đầm Dơi có 8 vụ /7 bị can, số người bị hại là 641 người, số tiền bị chiếm đoạt là 16.994.689.000 đồng; tiếp đó là huyện Cái Nước và TP Cà Mau mỗi huyện 5 vụ, Trần Văn Thời 4 vụ, các huyện còn lại từ 1 đến 2 vụ…
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc chơi hụi, VKSND tỉnh xác định hành vi và thủ đoạn phạm tội phổ biến là chủ hụi lợi dụng tâm lý của những người chơi muốn hốt hụi sau để có lãi nhiều; lợi dụng sự tin tưởng, thiếu cảnh giác của những người chơi hụi như không nắm được danh sách hụi viên nên không biết có bao nhiêu người tham gia chơi hụi cùng với mình; việc đóng tiền hụi và hốt hụi không có giấy tờ chứng minh; các hụi viên không giáp mặt với nhau trong các kỳ khui hụi và không biết được thực tế ai là người hốt hụi.
Chủ hụi cũng lợi dụng các hụi viên có tiền nhàn rỗi muốn mua hụi để được hưởng lãi cao (lãi 2 đầu). Cụ thể là mỗi kỳ khui hụi, người mua được nhận tiền lãi bằng với tiền hụi viên bỏ thăm và chân hụi mà người mua là chân hụi sống, nhưng khi họ hốt hụi thì được hốt hụi chết. Vì vậy khi nghe chủ hụi nói có người bán hụi là mua ngay, không quan tâm người bán hụi cho mình là ai, có đúng là người đó cần bán hụi không, cho đến khi chủ hụi tuyên bố bể hụi thì mới biết mình bị lừa…
Nắm được những tâm lý này của hụi viên, chủ hụi đã có những hành vi gian dối như không lập danh sách hụi viên tham gia trong dây hụi để cung cấp cho các hụi viên theo dõi; lập khống tên người tham gia chơi hụi, chủ hụi không tham gia hoặc tham gia ít chân hụi nhưng kê lên là có tham gia hoặc tham gia nhiều chân để hốt hụi; khi khui hụi thì chủ hụi bỏ giá cao hoặc nói dối với hụi viên là đã có người khác bỏ cao hơn để hốt hụi của hụi viên; chủ hụi bán hụi khống cho người cần mua hụi để chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân. Khi chủ hụi công bố bể hụi là lúc họ không còn khả năng thanh toán hoặc là chủ hụi đã chi xài hết tiền của hụi viên tham gia.
Thống kê cho thấy, tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc chơi hụi đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau, với rất nhiều hụi viên tham gia đã trở thành bị hại. Hậu quả để lại của tội phạm này đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây mất trật tự trị an, mà còn gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhiều hụi viên sau khi bị chiếm đoạt tiền phải bán nhà, bán tài sản, tiền dành dụm, thậm chí là tiền đi vay đã tiêu tan, lâm vào nợ nần túng thiếu, vợ chồng xào xáo, hạnh phúc tan rã, con cái phải nghỉ học, gia đình ly tán…
Trước tình hình tội phạm trong lĩnh vực này đang ngày càng gia tăng, để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động chơi hụi, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều kiến nghị đến các cơ quan hữu quan, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ và Ủy ban nhân dân các huyện có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Qua đó, giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc chơi hụi nhằm phát huy lợi ích không chỉ giúp đỡ nhau làm kinh tế mà còn là biện pháp tiết kiệm hữu ích, dễ thực hiện, đồng thời góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm này.