Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến các hợp đồng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh huyện Ngọc Lặc (Ngân hàng Agribank), VKSND huyện Ngọc Lặc nhận thấy nhiều trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm hợp đồng bảo đảm tiền vay dẫn đến phát sinh tranh chấp. Khi phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra Tòa án để giải quyết và thu hồi nợ.

leftcenterrightdel
VKSND huyện Ngọc Lặc kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa trong giải quyết án kinh doanh thương mại.

Việc này dẫn đến có một số vấn đề nảy sinh gây khó khăn cho quá trình giải quyết của Tòa án, vụ án kéo dài ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên, thậm chí có thể bị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do hợp đồng ký kết giữa Ngân hàng và người vay không đảm bảo, không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hoặc có những vụ án bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng quá trình thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc trong thi hành, cụ thể như:

Thiếu kiểm tra hoặc kiểm tra không chặt chẽ tài sản thế chấp như: Đối với tài sản thế chấp là bất động sản đã không xem xét hoặc xem xét chưa đầy đủ, đối chiếu tài sản trên giấy tờ với tài sản trên thực tế; không quay phim, chụp hình, lập biên bản mô tả tình trạng thực tế của tài sản nên không phát hiện sự khác nhau giữa tài sản thể hiện trên giấy tờ với tài sản trên thực tế.

Không trưng cầu tổ chức thẩm định giá độc lập để định giá trị thực của tài sản, mà sử dụng việc định giá nội bộ nên trong nhiều trường hợp thiếu khách quan, không sát với giá thị trường, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn, phức tạp; có trường hợp định giá tài sản cao hơn so với thực tế để cho vay nhiều hơn, sau đó khách hàng không có khả năng trả nợ, Ngân hàng đứng trước nguy cơ không thu hồi được vốn.

Thiếu kiểm tra, quản lý, theo dõi việc sử dụng vốn vay để người vay sử dụng vốn không đúng mục đích, nhiều trường hợp dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán, bỏ trốn; thậm chí có trường hợp còn cho rằng Ngân hàng cho vay đã có tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, không coi trọng đến việc theo dõi sử dụng vốn vay, nếu sử dụng vốn vay không đúng, không hiệu quả thì đã có tài sản bảo đảm để xử lý nên việc kiểm tra, quản lý việc sử dụng vốn vay của Ngân hàng trong trường hợp này thường bị lơ là, không chặt chẽ, thiếu sự kiểm soát.

Nguyên nhân xảy ra các vụ việc, VKSND huyện Ngọc Lặc nhận thấy Ngân hàng Agribank chưa đánh giá đúng khả năng trả nợ của khách hàng, tính hiệu quả của phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc không quan tâm doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích như trong phương án sản xuất, kinh doanh, tâm lý chủ quan đã có tài sản bảo đảm cho khoản vay; không có các giải pháp linh hoạt giãn nợ, gia hạn thời hạn trả nợ đối với khách hàng hoặc có khi chạy theo thành tích hoặc áp lực cạnh tranh với các Ngân hàng khác nên đã bỏ qua nhiều thủ tục, trình tự, điều kiện để được giải ngân.

Bên cạnh đó, một số nhân viên tín dụng thẩm định hồ sơ không chặt chẽ, không thẩm định trên thực tế tài sản bảo đảm, thậm chí nâng giá trị tài sản bảo đảm để cho vay số tiền lớn hơn, dẫn đến khi xảy ra tranh chấp tài sản khó xử lý, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thu hồi tài sản của Ngân hàng, ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định của Bộ luật dân sự và Luật các tổ chức tín dụng.

Để hạn chế và đẩy lùi những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên và để đảm bảo nguồn vốn vay của Nhà nước không bị thất thoát, lãng phí. VKSND huyện Ngọc Lặc đề nghị Giám đốc Ngân hàng Agribank quan tâm chỉ đạo một số biện pháp sau:

1. Hạn chế sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba, nếu có thì cần thực hiện quy trình xem xét thẩm định, định giá chặt chẽ, đầy đủ tài sản bảo đảm và giải thích cho người thứ ba về hậu quả của việc thế chấp tài sản khi người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán và yêu cầu ký cam kết tự nguyện bàn giao tài sản trong trường hợp phải xử lý tài sản.

2. Chỉ đạo nhân viên tín dụng khi tiến hành thẩm định cũng như định giá tài sản phải quay phim, chụp hình tài sản thế chấp; trưng cầu tổ chức giám định độc lập để đảm bảo tính khách quan, chính xác; thường xuyên theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm để kịp thời phát hiện những thay đổi, biến động về tài sản như: xây dựng, cơi nới thêm nhà cửa, công trình trên đất, cho thuê.

3. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn vay đúng mục đích so với phương án vay vốn, quản lý chặt chẽ tài sản thế chấp; tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sử dụng vốn vay và tài sản thế chấp để đảm bảo khả năng trả nợ và bảo đảm tài sản có giá trị của nó, tránh việc sử dụng tài sản thế chấp cho người khác thuê, sử dụng mà không được sự đồng ý của Ngân hàng.

4. Cần tăng cường sự phối hợp với VKSND, TAND trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, ký kết quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết những vấn đề pháp luật liên quan đến hợp đồng tín dụng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khác như: UBND các cấp, Phòng Tài nguyên và môi trường, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự… trong việc cung cấp thông tin, quản lý về tình trạng pháp lý và việc xử lý tài sản bảo đảm./.

Bình Minh