Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp báo ngày 12/4/2022 về tình hình lao động việc làm quý I/2022.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm nay, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 7,6% và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3%. 

Trong đó, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Bên cạnh đó, thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Dù số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước không ngừng gia tăng trong quý I song theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. 

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Đông Nam Bộ là vùng tăng mạnh nhất, với 2,1 điểm phần trăm; tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 0,9 điểm phần trăm.

Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp thời gian tới như tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động…

P.V