leftcenterrightdel
 Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm).

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Sau 19 năm đi xa, tôi lại về Hanh Cù, Hanh Cát - làng ven biển Hậu Lộc, Thanh Hoá, nơi ngày xưa có bà mẹ Tơm rất nghèo đã nuôi giấu chúng tôi, mấy anh em trốn tù về hoạt động. Mẹ Tơm có hai người con trai đầu là đảng viên cộng sản, ngày ngày đi cúp tóc để nuôi nhà và nuôi đồng chí, về sau cả hai anh đều bị bắt và tra tấn, nhưng đều một mực không khai cơ quan và cán bộ Đảng."

Lần về thăm ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu xúc động viết bài thơ Mẹ Tơm với những dòng thơ đầy cảm xúc: "Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm!..."

leftcenterrightdel
 Bài thơ "mẹ Tơm" mà nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu viết được treo trang trọng trong ngôi nhà.

Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953). Chồng mẹ Tơm là ông Vũ Văn Sởn (1884-1945). Mẹ có 4 người con là Vũ Thị Diệp, Vũ Thị Dực, Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu. Hai con trai Sồ và Hậu phải đi ở, làm thuê, cuốc mướn, vì không có ruộng đất cày cấy nên xoay sở học nghề cắt tóc.

Tháng 9/1941, chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành, Thanh Hoá) bị vỡ, giặc Pháp vây lùng, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng và cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Thanh Hoá. Tỉnh ủy đã quyết định chuyển nơi hoạt động và cơ quan in báo về các huyện vùng biển để tránh sự truy lùng, vây bắt của địch. Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa lúc bấy giờ được gọi là ATK (an toàn khu). 

Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời phần đông là các chiến sĩ cách mạng vượt ngục nhà lao từ Đắk Lắk, Kon Tum và chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) về, được Trung ương chỉ định thành lập Tỉnh ủy lâm thời từ năm 1942 đến năm 1945. Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Lê Tất Đắc (Bí thư), Tố Hữu, Trịnh Ngọc Điệt, Đinh Chương Lân, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Văn Hỷ... Đồng chí Tố Hữu được phân công làm Tổng Biên tập, viết và in báo “Đuổi giặc nước”. 

leftcenterrightdel
 Bà Bùi Thị May giới thiệu những bức ảnh của các đồng chí chiến sĩ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và bức tượng đồng Mẹ Tơm.

Tình thế nguy cấp, tổ chức phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động, ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn làm căn cứ. Ngôi nhà ấy trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, in tài liệu, viết truyền đơn. Nơi đây được coi là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời bấy giờ. Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo 'Đuổi giặc nước' in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ.

Từ khi cán bộ đến hoạt động, túp lều của gia đình Mẹ Tơm trở thành căn cứ bí mật, nuôi giấu những “hạt giống đỏ” của cách mạng tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Tất cả mọi người trong gia đình đều trở thành chiến sỹ cách mạng. Ngày ngày, chồng Mẹ Tơm ở nhà đan rá, rổ canh chừng người lạ đến nhà. Mẹ Tơm thì tất tả ngược xuôi buôn thúng bán mẹt kiếm thêm tiền, lo cơm nước, chăm sóc cả nhà. Người mẹ nghèo, lam lũ, đôn hậu ấy còn dũng cảm mang theo truyền đơn dưới những gánh rau, bước chân mòn mỏi khắp các chợ: Hôm, Mành, Vích, Nghè, Choàng...tuyên truyền cách mạng.

Ghi nhận đóng góp của mẹ, Đảng, Nhà nước đã tặng Bằng có công với nước, công nhận thiết chế vật chất của gia đình là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngày 9/3/1966, Thủ tướng Chính phủ đã tặng gia đình bà “Bằng có công với nước” và kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”. Hai con trai bà Quyển là ông Vũ Văn Sồ và ông Vũ Đức Hậu được Nhà nước tặng kỷ niệm chương “Cán bộ cách mạng bị tù đày”. 

Ngày 8/9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định xếp hạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm) xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc là “Địa điểm di tích lịch sử cách mạng”. Ngày 22/12/2010, nhà lưu niệm mẹ Tơm thuộc Khu di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 15/9/2011. Năm 2021-2022, lăng mộ mẹ Tơm nằm trong khu di tích cũng đã được cháu, chắt mẹ Tơm tôn tạo khang trang đẹp đẽ. 

leftcenterrightdel
  Ông Vũ Ngọc Rỡ (cháu nội mẹ Tôm) nâng niu những kỷ vật của ông cha mà gia đình còn lưu giữ.

Theo các tài liệu lịch sử và người dân trong vùng kể lại rằng: Trên mảnh đất Cồn Chông cỏ muống sát bờ biển, có một ngôi nhà tranh vách nứa đứng bên rặng phi lao xanh tốt ở thôn Hanh Cát, Hanh Cù, xã Đa Lộc (nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc), trên đường đi ra bến đò Sung sang đất Nga Sơn, đó là ngôi nhà của mẹ Tơm. 

Năm 1961, túp lều tranh của mẹ Tơm đã bị bão lụt làm sập hoàn toàn. Hiện dấu tích căn nhà tranh vách đất năm xưa không còn, mà được thay bằng ngôi nhà ngói ba gian khang trang trong khuôn viên rộng khoảng 500 m2 với vườn cây rợp bóng mát. Trong ngôi nhà này, hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật như: bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành, hòm đựng tiền, gạo nuôi cán bộ cách mạng hơn 80 năm trước...

leftcenterrightdel
 Lăng mộ mẹ Tơm và chồng bà.

Tới thăm nhà mẹ Tơm vào những ngày đầu tháng Ba đầy cảm xúc, tôi được Bà Bùi Thị May, 79 tuổi và ông Vũ Ngọc Rỡ 65 tuổi (cháu nội mẹ Tơm) giới thiệu rất kĩ về ngôi nhà của mẹ, những câu chuyện; những bức ảnh của gia đình, các đồng chí chiến sĩ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa; bức tượng đồng Mẹ Tơm; bài thơ “Mẹ Tơm” của nhà thơ Tố Hữu nổi tiếng cách đây nửa thế kỷ, được in và treo trang trọng trên tường nhà; những kỷ vật của ông cha mà gia đình còn lưu giữ....

Thông tin từ Phòng văn hoá xã Đa Lộc, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, và dịp 8/3 này, khu lưu niệm của mẹ Tơm thu hút khá đông người dân và du khách thập phương đến tham quan.

Người cháu đích tôn của mẹ Tơm là ông Vũ Xuân Thu, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hoá. Được biết, ông Thu đã ba lần gặp nhà thơ Tố Hữu tại nhà mẹ Tơm. Lần đầu là năm 1961, khi Tố Hữu làm bài thơ "mẹ Tơm", lần thứ 2 vào năm 1988, khi đó ông làm Trưởng Công an huyện Hậu Lộc, tháp tùng nhà thơ về thăm quê. Lần thứ 3, nhà thơ Tố Hữu cùng gia đình về thăm, khi đó ông Thu làm Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa. Phát huy truyền thống hiếu học, đồng chí Vũ Xuân Thoan (con trai ông Thu và cũng là chắt nội mẹ Tơm) hiện đang công tác trong ngành kiểm sát, giữ chức vụ Phó viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hoá.

Đinh Huê