Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm: Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên là một thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Sau khi bà mất, người dân tưởng nhớ đã lập đền thờ khói hương cho đến ngày nay. Câu nói "Na Sơn nhất phiến nhất hộ thiên hạ biến " nghĩa là: “Một tiếng hô ở Núi Nưa đã chuyển biến ở thiên hạ”, chính là sự đề cao sự nghiệp anh hùng bất tử của Bà Triệu.
leftcenterrightdel
Đầu năm, hàng vạn du khách đổ về đền Nưa- Am Tiên chiêm bái.
Núi Nưa là ngọn núi cao nhất ở vùng đồng bằng châu thổ phía Nam Thanh Hoá, dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam được bắt đầu từ các huyện Như Thanh, Nông Cống đổ về Nghệ An. Núi có chiều dài gần 20 km, làm nên bức trường thành Đông Nam tự nhiên, với một thung lũng rộng lớn, phía đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ. Do vị trí, địa hình ở thế đặc biệt, Núi Nưa được xem là ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh, được sử sách ghi chép và là đề tài sáng tác thơ văn của biết bao tao nhân mặc khách như: Nguyễn Dữ, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Huy Ôn...
Tại di tích Đền Nưa còn có hàng cây, tính đến nay đã được hàng trăm tuổi, trồng thẳng hàng ngay trước đường vào Đền. Dù đã đổi thay nhiều, nhưng không gian của núi thiêng dường như vẫn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, mờ ảo như chính những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền qua bao đời ở vùng đất này.
leftcenterrightdel
 Nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh.
Đỉnh Núi Nưa, nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa), Triệu Sơn, Thanh Hoá, với diện tích khoảng 4 ha. Để lên được Am Tiên, phải đi qua một con đường dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo. Ở trên cao nhìn xuống, một vẻ tĩnh mịch, yên bình hiện lên bên làng mạc, đan xen trong dãy núi chập trùng.
Tuy ở độ cao 585m so vơi mực nước biển nhưng ở đây vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là Giếng Tiên, nước nơi đây không bao giờ vơi cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu. Tương truyền đây là giếng dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân Bà Triệu.
Trên đỉnh Núi Nưa ngoài Am Tiên còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn Đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Dưới chân Núi Nưa có đền Nưa, tên chữ là Na Sơn Từ. Vì là nơi thờ Bà Triệu nên dân gian còn gọi là Đền Đức Vua Bà.
leftcenterrightdel
 Đường lên huyệt đạo thiêng.
Đặc biệt, từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100m, du khách sẽ thấy huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương, với bán kính khoảng 21m, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan đến chiêm bái, thưởng ngoạn vào dịp đầu năm. Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay cổng trời), tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Đây được coi là nơi năng lượng của Trời và Đất giao hòa, cũng là một trong những “huyệt đạo” quan trọng nhất của nước Việt Nam. Theo các nhà phong thủy, Am Tiên được xem là một trong 4 huyệt đạo lớn của quốc gia, ngoài Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh).
Dừng chân ngay tại nơi này ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Mỗi khi nhắm mắt lại, xòe hai bàn tay và giơ lên cao vuông góc với cơ thể; với tâm thế thả lỏng và tập trung mọi suy nghĩ lên đôi mắt thì ít nhiều sẽ cảm nhận được luồng ánh sáng thoáng qua. Một cảm giác bay bổng giữa trời đất bao la khiến con người nhẹ nhõm lạ kỳ. Làm như vậy cơ thể như được tiếp thêm một chút năng lượng, sinh khí của trời đất. Hiện tượng kỳ lạ đó đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn như chính vùng đất thiêng này vậy.
leftcenterrightdel
 Người dân chiêm bái quanh huyệt đạo thiêng.
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng, từng dòng người lại đổ về nơi này để khai hội Đền Nưa - Am Tiên và tham gia lễ "mở cổng trời”, xin lộc, cầu an. Người dân quan niệm, khi lên đến huyệt đạo thiêng, nữ nên đi 9 vòng, nam thì 7 vòng xung quanh huyệt. Khi đi thì mọi suy nghĩ, lo toan hãy gạt bỏ sau lưng, vừa đi vừa cầu khấn cho mình được bình an, may mắn, sẽ giúp tinh thần sảng khoái, thư thái đến lạ kỳ.
Đinh Huê