Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt Công ty CP Nông nghiệp An Phước - VIRAMIE (gọi tắt là Công ty An Phước) tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đưa cây gai xanh làm cây kinh tế mũi nhọn, thay thế các loại cây trồng mang tính truyền thống kém hiệu quả như: Mía, sắn, keo… tại các huyện trung du và miền núi tại Thanh Hóa đã đem lại những hiệu ứng tích cực.
Có thời điểm cây gai "xanh đồi' nông dân "xanh mặt"
Chỉ sau 2 năm đưa vào trồng và khai thác, cây gai xanh trên địa bàn đã đem lại những hiệu quả kinh tế bất ngờ. Nhiều hộ dân đã thực sự thoát nghèo và đứng trước cơ hội làm giàu từ giống cây trồng mới này.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, Công ty An Phước gặp khó khăn về tài chính cũng như nguồn kinh phí để duy trì việc đầu tư và thu mua nguyên liệu cho người trồng gai. Nhiều hộ trồng gai không bán được nguyên liệu, không có nguồn kinh phí để tái đầu tư và đảm bảo đời sống, dẫn đến một số diện tích gai mới trồng nửa cuối năm 2022 bị chuyển đổi sang cây trồng khác. Từ đó, niềm tin của chính quyền và bà con nông dân đối với công ty bị giảm sút.
|
|
Người dân vẫn hoang mang, lo lắng vì công ty đã từng nhiều lần chậm chi trả và thu mua nguyên liệu. |
Tại huyện Lang Chánh, đây là một trong những huyện miền núi tiên phong trong việc phối hợp với Công ty An Phước triển khai mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ chế biến. Năm 2019, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, xây dựng cơ chế hỗ trợ, toàn huyện đã chuyển đổi, mở rộng được hơn 100 ha cây gai xanh. Tuy nhiên chỉ sau vài năm, diện tích cây gai xanh không những không được mở rộng, mà diễn ra tình trạng phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Từ 100 ha năm 2019, đến nay toàn huyện chỉ còn một vài ha nhỏ lẻ.
Ông Phạm Văn Dũng, Trưởng thôn Thung, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh cho biết: "Thôn có 6 ha cây gai xanh, với 16 hộ tham gia trồng từ năm 2017. Thời gian đầu, cây gai xanh cho bà con thu nhập ổn định, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, diện tích cây gai xanh chỉ duy trì đến năm 2021 thì bà con phá bỏ.". Nguyên nhân chính theo ông Dũng là do công ty thay đổi cơ chế thu mua, với nhiều điều kiện khắt khe. Bên cạnh đó, hoạt động thu mua của công ty cũng không ổn định, có thời điểm chậm thanh toán, nợ tiền của bà con kéo dài như năm 2022.
Còn ở huyện Cẩm Thủy, nơi được xem là “thủ phủ gai xanh” của Thanh Hoá với diện tích hơn 368 ha. Sau khi có Đề án, để phát huy lợi thế có nhà máy đóng trên địa bàn, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi đất đang trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu và xác định là cây trồng chủ lực của địa phương, đồng thời thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nhà máy. Huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng cây gai xanh và tạo điều kiện cho cán bộ, nông dân trên địa bàn đi tham quan nhà máy và các mô hình trồng cây gai xanh hiệu quả trong và ngoài huyện, từ đó áp dụng vào sản xuất tại địa phương.
|
|
Đồi cây gai xanh tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, nơi được xem là “thủ phủ gai xanh” của Thanh Hoá |
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, những đồi gai xanh bạt ngàn cũng khiến nông dân tại huyện Cẩm Thuỷ lo xanh mặt. Bởi tình trạng Công ty An Phước nhiều lần chậm chi trả tiền cho bà con trồng gai xanh, gây tâm lý lo lắng, không yên tâm sản xuất cho các hộ.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Cẩm Thuỷ cho biết: "Thời gian công ty chậm chi trả rơi vào 3-4 vụ bà con thu hoạch. Khi đó, người dân phải tự bỏ tiền ra để trang trải. Đối với những gia đình có vốn thì còn đỡ, chứ nhà nào mà phải đi vay lãi cũng rất vất vả."
Mặc dù đến cuối năm 2023, công ty này đã thanh toán hết các khoản công nợ và đang tiếp tục thu mua vỏ gai khô theo đúng hợp đồng liên kết với người dân nhưng đã gây ảnh hưởng đến tâm lý người trồng gai trong việc duy trì thâm canh, chăm sóc và phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.
Người dân không nên hoang mang, dao động
Trước tâm lý hoang mang của người dân, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thanh Hoá đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân không dao động dẫn đến việc phá bỏ ồ ạt diện tích gai xanh đã trồng để chuyển sang canh tác các loại cây mới. Đồng thời, giải thích cho người dân về những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hoạt động của Công ty An Phước gặp khó khăn, để người dân hiểu và chia sẻ với công ty.
Quan điểm của ông Hà Thanh Sơn, cây gai xanh dễ trồng, đầu tư 1 lần cho thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm cho thu hoạch 4 đến 5 lứa. Sau khi cắt đi, cây mới lại chồi lên, bà con bón phân khoảng 45 ngày sau lại cho thu hoạch. Hiện tại, mùa này cây gai đang xấu vì trời lạnh cây sẽ ra hoa, không phát triển nữa. Ra Tết, bà con sẽ chặt rồi bón phân để cho ra lứa mới.
|
|
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thuỷ. |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hoá, cây gai xanh là cây trồng mới được phát triển tại Thanh Hóa từ năm 2018 và tập trung đẩy mạnh từ năm 2020, với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tạo thành chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Cây gai xanh vẫn là cây trồng có lợi thế nhất định, nhất là trên những diện tích đất phù hợp; phát triển cây gai xanh sẽ hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đến cuối năm 2022, diện tích trồng gai toàn tỉnh đạt 930 ha, trong đó diện tích mở rộng đạt 780 ha. Tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng diện tích gai tăng nhanh, nhiều hộ, nhiều địa phương có năng suất, sản lượng cao, hiệu quả kinh tế từ sản xuất gai cao hơn hẳn một số loại cây trồng trước đó trên cùng một chân đất; việc đầu tư trồng mới, thu mua diễn ra theo đúng hợp đồng được ký kết cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh tạo niềm tin cho các địa phương cơ sở và người trồng gai.
Để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trong năm 2024 và các năm tiếp theo, trước kết quả tái cơ cấu và cam kết của doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp đề nghị các địa phương, Công ty An Phước động viên các hộ có diện tích gai chưa bị phá bỏ đẩy mạnh thâm canh, đầu tư, ứng dụng nhanh khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng nguyên liệu và cho hiệu quả kinh tế cao.
Đối với các địa phương, cần tiếp tục rà soát quỹ đất dành cho sản xuất gai, có phương án chuyển đổi cây trồng khác sang trồng gai phù hợp; tổ chức kiểm tra chất lượng đất, điều kiện trồng, chất lượng giống, tập huấn kỹ thuật, ký kết và thực hiện nghiêm túc hợp đồng sản xuất nguyên liệu với Công ty. Những huyện đã đăng ký kế hoạch trồng mới năm 2024 khẩn trương phối hợp cùng Công ty để triển khai tổ chức trồng mới trong khung thời vụ tốt nhất. Những huyện chưa đăng ký cần tập trung chỉ đạo, rà soát quỹ đất để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, ngay trong vụ Xuân năm 2024 .
Riêng về phía Công ty An Phước, Sở Nông nghiệp đề nghị chủ động phối hợp chính quyền địa phương cấp huyện, xã rà soát quỹ đất, ban hành hợp đồng liên kết, cơ chế đầu tư, cơ chế thu mua, thanh toán một cách chi tiết, thông báo rộng rãi cho các địa phương và nhân dân. Công ty nghiên cứu các chính sách để tăng giá thu mua vỏ gai, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong phát triển cây gai nguyên liệu.