Nguyễn Huy Oánh tên húy là Xuân, hiệu là Lựu Trai, tự Kính Hoa, sinh ngày 17 tháng Chín năm Quý Tỵ (1713). Năm Nhâm Tý (1732), Nguyễn Huy Oánh đỗ đầu thi Hương. Năm 1744, ông nhận chức Tri huyện huyện Cảnh Thuần. Năm 1747, được thăng chức Tri phủ phủ Trường Khánh. Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa.
Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Huy Oánh được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Năm 1749, ông làm Tham mưu đạo Thanh Hoa, năm 1750 làm Hiệp đồng đạo Nghệ An. Năm 1753, ông được cử làm Đề điệu Khâm sai các trường thi Hương ở hai xứ Hải Dương và Yên Quảng. Năm Ất Dậu 1765, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, trong chuyến đi này, ông soạn bộ Hoàng Hoa sứ trình đồ, đã được ghi danh là Di sản tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2018.
Năm 1768, Nguyễn Huy Oánh được thăng chức Hữu Thị lang bộ Lại. Đầu năm 1778, Nguyễn Huy Oánh chuyển sang giữ chức Tả thị lang bộ Lại. Năm Kỷ Hợi 1779, ông được thăng chức chức Đô Ngự sử.
Ngày 26 tháng Bảy năm 1783, triều đình phong Nguyễn Huy Oánh là Uyên Phổ Hoằng Dụ Đại Vương, được thờ sống tại quê nhà. Cũng trong năm này, ngày 29 tháng Mười, triều đình sắc phong ông giữ chức Thượng thư bộ Binh và bộ Lễ, bậc Thượng trụ quốc hạng nhất, Quốc Tử Giám Tế tửu, mà không phải ra triều đình làm việc. Ngày mồng Chín tháng Năm năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huy Oánh mất ở quê nhà, thọ 77 tuổi.
Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Huy Oánh để lại một khối lượng trước tác đồ sộ với các tác phẩm tiêu biểu như Hoàng Hoa sứ trình đồ,Huấn nữ tử ca, Phụng sứ Yên đài tổng ca, Bắc dư tập lãm… Nguyễn Huy Oánh cũng chính là một trong những người có công đầu trong việc tạo lập nên Phúc Giang thư viện, sáng tạo nên di sản Mộc bản Trường học Phúc Giang.v.v.
Nguyễn Huy Tự là con trai trưởng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, ông có tên tự là Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai, sinh ngày 3 tháng 9 năm Quý Hợi (1743). Năm 1759, lúc mới 17 tuổi, Nguyễn Huy Tự đỗ thứ năm khoa thi Hương trường Nghệ An, lúc này thân sinh là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đang giữ chức Nhập nội thị giảng triều Cảnh Hưng. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Huy Tự được giao giữ chức Thị nội văn chức.
Năm Đinh Hợi (1767), Nguyễn Huy Tự nhận chức Hồng lô tự thừa rồi làm Tri phủ Quốc Oai - Sơn Tây. Năm Canh Dần (1770) ông dự thi Hội, đỗ Tam trường và được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam.
Năm 1778, ông giữ chức Trấn thủ xứ Hưng Hóa, năm 1782 làm Thanh hình Hiến sát sứ Sơn Tây, năm sau được phong tước Uẩn Đình hầu, Hàn lâm viện Hiệu lý, Đốc đồng Sơn Tây. Năm 1783, ông xin về quê chịu tang mẹ vợ, rồi ở lại quê nhà, cùng tham gia công việc giảng dạy ở Phúc Giang thư viện.
Giữa năm 1788, ông vào Phú Xuân làm quan với triều Tây Sơn, giữ chức Hữu tham tri bộ Binh. Mùa Xuân năm 1789, lúc vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, Nguyễn Huy Tự được giao ở lại giữ kinh thành Phú Xuân. Ông bị bệnh và mất ngày 27 tháng Bảy năm 1790, thọ 47 tuổi.
Nguyễn Huy Tự để lại tác phẩm Truyện Hoa tiên - một tác phẩm quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm này là câu chuyện tình yêu tự do đầu tiên được ghi lại trong kho tàng văn học thành văn ở nước ta, là “truyện thơ Nôm bác học đầu tiên có tên tác giả của văn học Việt Nam thế kỷ 18”. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã từng nhận xét: "Truyện Kiều đứng ở vị trí số một, Hoa tiên đứng ở vị trí thứ 101, ở giữa không có một tác phẩm nào cả".
Nguyễn Huy Hổ là con trai thứ 3 của Nguyễn Huy Tự, húy là Nhậm, tên chữ là Liêm Pha, hiệu là Hy Thiệu, sinh ngày 21 tháng 8 năm Quý Mão 1783.
Tuy sinh ra trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động, giáo dục và khoa cử Nho học bị gián đoạn nhưng Nguyễn Huy Hổ sớm nổi lên là một thanh niên thông tuệ hơn người. Được thừa hưởng truyền thống giáo dục, học hành của gia đình, ông hiểu biết sâu rộng cả nho, y, lý, số và đặc biệt là bốc thuốc trị bệnh cứu người. Sau năm 1820, khi hết chịu tang mẹ, lúc này đã gần 40 tuổi ông mới vào làm quan với triều Nguyễn, giữ chức Linh đài lang ở Khâm Thiên giám hơn một năm, đến ngày 20 tháng 8 năm 1841 thì mất, ông thọ 59 tuổi.
Nguyễn Huy Hổ để lại tác phẩm Mai đình mộng ký - một tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo đầy nỗ lực của Nguyễn Huy Hổ trong việc kế thừa, cách tân thể loại truyện Nôm, đưa truyện thơ Nôm gần gũi hơn với cuộc sống, phả vào tác phẩm hơi thở của thời đại.
|