Xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo (lần 2) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Theo Bộ Công an, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để đảm bảo công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, như: Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Luật Cư trú năm 2020; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018; Luật Thi hành án hình sự năm 2019… 

Theo đó, một số chức danh có thẩm quyền xử phạt đã không còn được quy định hoặc thay đổi về tên gọi, nhiều hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như: Một số hành vi chưa được quy định trong Nghị định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, lúng túng trong công tác xử lý vi phạm hành chính; nhiều hành vi vi phạm mức phạt tiền còn thấp, chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế. 

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật, không trái với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi, tăng cường răn đe, giáo dục cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết.

Cũng theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định mới nhằm bảo đảm sự phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của Nghị định trong hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan và phù hợp với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Thể chế hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nói chung nhằm góp phần tạo môi trường an toàn, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an kiểm tra việc thực hiện pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy tại một công ty. (Ảnh minh hoạ - Công an TP Hải phòng).

Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính

Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 82 điều, quy định chi tiết một số nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính như đối tượng áp dụng, hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; các hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền cơ bản kế thừa các quy định hiện hành, còn phù hợp của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đã được thực hiện ổn định. 

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính trên cơ sở quy định mới của pháp luật,...; sửa đổi các hành vi vi phạm và loại bỏ một số hành vi không còn phù hợp. Một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về nguyên tắc xử phạt, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt, giao quyền xử phạt được dự thảo Nghị định quy định dẫn chiếu Luật để thực hiện.

Liên quan đến vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dự thảo Nghị định bổ sung 2 điều quy định về: Vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường; vi phạm quy định về xây dựng, quản trị và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; trong đó quy định các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt tương ứng.

Bổ sung các hành vi vi phạm về: Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép.

Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm; dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.

Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền; đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định.

Cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ, tài liệu về cư trú; cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; các hành vi vi phạm về cấp, quản lý sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân.

Chiếm đoạt các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Thu thập bí mật nhà nước không đúng quy định; Không xác định, đóng dấu chỉ độ mật bí mật nhà nước theo quy định; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông...

Đối với vi phạm hành chính về phòng, chống tệ nạn xã hội, dự thảo Nghị định bổ sung xử phạt đối với các hành vi: Sử dụng trái phép thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện; mua, bán khiêu dâm, kích dục; chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện khi chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động...

Bãi bỏ quy định hành vi: Dẫn dắt, dụ dỗ hoạt động mua dâm, bán dâm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (Hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm) do trùng với hành vi “Môi giới mua dâm, bán dâm”. Đồng thời, nâng mức phạt tiền đối với hành vi bán dâm, mua dâm.

Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của toà án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

 Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.


P.V