Cần chỉ rõ giới hạn, phạm vi nhiệm vụ cụ thể

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng là “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Việc quy định như dự thảo có phạm vi rất rộng, chưa rõ ràng, bởi tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Ban soạn thảo Luật rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của Bộ đội biên phòng là đảm bảo thi hành pháp luật biên phòng.

Ngoài ra, tại điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định, nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”.

leftcenterrightdel
Thực hiện kiểm tra phương tiện, hàng hoá tại cửa khẩu.                       Ảnh: Minh Nhật
 

Quy định này không phù hợp, trùng chéo, mâu thuẫn với quy định của Luật Hải quan. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Hải quan: “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Tại khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan quy định: “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.”

Và tại khoản 2 Điều 10  và  khoản 1 Điều 12 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 10/5/2015 của Chính phủ cũng quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP) quy định: “Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác”…

Như vậy, Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã giao lực lượng hải quan trong địa bàn hoạt động chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc dự thảo Luật Biên phòng quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với Luật Hải quan.

Trùng chéo chức năng, nhiệm vụ làm phát sinh thủ tục hành chính, phiền hà cho doanh nghiệp

Tại khoản 5 Điều 13 quy định về nhiệm vụ của Biên phòng: “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới”; khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật “Áp dụng các hình thức....kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”;

Cơ quan Hải quan cho rằng, Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới (là nội dung mới bổ sung nhưng không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát) được hiểu là kiểm soát toàn bộ các hoạt động qua lại biên giới, trong đó, bao gồm: hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh. Điều này trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan năm 2014.

Trường hợp dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với những quy định trên được thông qua sẽ dẫn đến 2 cơ quan (Hải quan và Biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 1 phương tiện xuất nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu.

Điều này là không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tạo thuận lợi thương mại và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan đang thực hiện theo quy định của Luật Hải quan, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí (vì hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế thì biên phòng lại làm thủ tục, kiểm tra lại...  “. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu”- đại diện Tổng cục Hải quan cho hay.

Đặc biệt, việc quy định như trên dẫn đến tất cả các lực lượng tại cửa khẩu (hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch, Ban quản lý cửa  khẩu…) cùng thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện và người xuất nhập cảnh... ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người dân xuất nhập cảnh. Hơn nữa, trường hợp phát sinh buôn lậu, gian lận thương mại thì sẽ không xác định được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này làm tăng rủi ro tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.

Minh Nhật