Không để quy định mới làm nhũng nhiễu, phiền hà người dân

Mở đầu phần tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: 3 mục tiêu để xây dựng Luật Cư trú: Thứ nhất là phải bảo đảm được yêu cầu không để cản trở và ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân; thứ 2 là, phải xác định được vị trí pháp lý của công dân, của người dân ở trên lãnh thổ của Việt Nam; thứ 3 là, việc đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của người dân, của công dân.

leftcenterrightdel
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu và giải trình trước Quốc hội về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sáng ngày 21/10.

Bộ trưởng Bộ Công an giải thích: có những đại biểu nói (khi triển khai phương thức quản lý cư trú mới – PV) sẽ tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, cản trở thực hiện quyền công dân. Tất cả những vấn đề đó đều được quán triệt để thực hiện mục tiêu này. Có quản lý nhưng không để những quy định, những việc đó làm nhũng nhiễu, phiền hà, phức tạp cho người dân. Đó là mục tiêu mà trong Ban soạn thảo cũng như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua các cơ quan thảo luận và ý kiến của các đại biểu Quốc hội cơ bản là chúng tôi thấy được và chúng tôi sẽ tiếp thu những ý này.

Về ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị nên kéo dài thời gian có hiệu lực của Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú (bằng giấy) đến ngày 31/12/2022 để tạo thời gian chuẩn bị cho người dân cũng như để các cơ quan quản lý nhà nước kịp thực hiện theo phương thức quản lý cư trú mới thay vì như đề xuất là đến ngày 1/7/2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: “Bây giờ phải thay đổi phương thức quản lý thì đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi, chứ không phải là chỉ có Sổ hộ khẩu thay đổi được mà đủ. Đây là bước đầu tiên thay đổi.
Chúng tôi cũng dự kiến trong Báo cáo đánh giá tác động cũng như là trong kế hoạch triển khai, chúng tôi đề nghị là từ nay cho đến ngày 1/7/2021 vận động tất cả những người dân, ví dụ gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở, đăng ký về những gì theo những giấy tờ pháp lý như Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu giấy… thì phải có thời gian như thế để chuyển đổi bằng một giấy gọi là Căn cước công dân”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chia sẻ, cho đến hiện nay, thông tin về Cơ sở dữ liệu về dân cư thì Bộ Công an đã thu thập được khoảng 90% và giờ chỉ thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy. Còn 10% nữa sẽ cố gắng, có thể trong năm 2020 này hoàn thành được. “Chúng tôi rất mạnh dạn và đề nghị thực hiện ngay được” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Làm rõ quy định diện tích tối thiểu 8m2/người

Có ý kiến của đại biểu băn khoăn về việc chưa thống nhất khái niệm các thuật ngữ thường trú, tạm trú, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình: “Chúng tôi đọc lại trong luật và cũng đối chiếu với những phát biểu của các đại biểu phát biểu ở đây, chúng tôi thấy là trong luật quy định cũng rất cụ thể, ví dụ như khái niệm thế nào là cư trú hoặc thế nào là tạm trú, thế nào là lưu trú được quy định rất cụ thể. Tức là mỗi người đều phải có một nơi cư trú hợp pháp, đấy là cư trú với đủ những điều kiện đó, coi như là nơi ở chính thức và hợp pháp.

Trong thời gian người ta thường trú đó, người ta có quyền được lưu trú ở một nơi khác, có thể là ở chỗ này hoặc chỗ kia nhưng chỉ được lưu trú tại ở một địa điểm cùng trong thời điểm, thời gian nhất định. Có thể hôm nay tôi đăng ký (thường trú – PV) ở Hà Nội nhưng mai tôi tạm trú ở Thành phố Hồ Chí Minh…”.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 21/10.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: thường trú là phải có quy định. Ví dụ như trường hợp quy định diện tích tối thiểu 8m2/người thì phải hiểu là chỉ áp dụng đối với những người đến xin ở nhờ, đăng ký vào với chủ hộ đó. Còn chủ hộ đăng ký thường trú rồi thì không thể quy định bao nhiêu mét vuông mới hình thành một hộ, một chủ nhà và được đăng ký tạm trú ở đấy.

“Ví dụ như khu Hàng Ngang, Hàng Đào rất chật nhưng người ta có hộ khẩu thường trú rồi, gia đình người ta ở rồi, con cái người ta phát triển lên rồi hoặc là trước đây cán bộ chỉ có căn hộ 24m2, 5-7 người ở, nhiều thế hệ ở thì người ta đã thường trú ở đấy rồi, bây giờ quy định phải từ 8m2 trở lên mới được đăng ký thường trú thì không phải. Ví dụ những gia đình như vậy lại có thêm ai đến ở và xin đăng ký thường trú ở đấy thì không được, không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích nhà ở thì đấy là điều kiện đăng ký cụ thể những trường hợp như vậy hoặc là những quy định về vợ, chồng ở đây, những gia đình truyền thống theo luật quy định hiện hành hiện nay đương nhiên người ta phải được thường trú với những quan hệ như vậy” – Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phân tích.

Sẽ làm phiếu gửi đến các vị đại biểu Quốc hội

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nhìn chung ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, về quy định chuyển tiếp trong dự án luật, qua thảo luận thì có 2 loại ý kiến. Nhiều ý kiến tán thành phương án 1, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này, khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú.

“Có ý kiến thì tán thành phương án 2, đề nghị không cần có quy định chuyển tiếp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có đề nghị nên chuyển phương án 2 thành phương án 1, với những lý lẽ như đồng chí đã báo cáo giải trình trước Quốc hội. Chúng tôi nghĩ đây là những vấn đề có thể nói đang còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin phép sẽ làm phiếu để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội xem xét, biểu quyết về những nội dung đang còn ý kiến khác nhau” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận.

Vũ Cảnh