Theo số liệu điều tra công bố năm 2020, thiệt hại do bạo lực gia đình (BLGĐ) gây ra trên toàn quốc hằng năm là rất lớn (chiếm 1,8% GDP, khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, BLGĐ còn để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và di chứng tâm lý suốt đời đối với các nạn nhân.

Sau 12 năm triển khai và thi hành Luật PCBLGĐ, bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu ra những hạn chế như: Chưa giải thích làm rõ các khái niệm liên quan PCBLGĐ; nội dung, nguyên tắc, đối tượng tuyên truyền; đặc thù về hòa giải trong PCBLGĐ; quy định về thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định nạn nhân phải viết đơn, tố cáo đối tượng bạo lực, nạn nhân lại phải ra khỏi nhà sau vụ việc; chưa quy định cụ thể nội dung quản lý Nhà nước; cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, chính quyền các cấp và cơ chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ; chưa có chính sách bảo đảm để hỗ trợ nạn nhân cần trợ giúp khẩn cấp; chưa có quy định về hỗ trợ thiệt hại cho người tham gia can ngăn hành vi BLGĐ.

Người bị bạo lực có thể gọi lực lượng ứng cứu qua số điện thoại nào?

Trước yêu cầu cấp bách hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch chủ trương đề xuất sửa đổi Luật PCBLGĐ cho phù hợp thực tiễn. Việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập trong PCBLGĐ, bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc. Luật PCBLGĐ (sửa đổi) nêu 3 chính sách lớn. Gồm: 1) Các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; 2) Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để  thực hiện công tác PCBLGĐ; Và 3) Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ.

leftcenterrightdel

Nghiện rượu, đánh vợ con sẽ phải đi cai nghiện bắt buộc. Ảnh minh họa 

Trong đó, chính sách thứ nhất, về các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, nhằm mục tiêu hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, ngăn chặn người có hành vi BLGĐ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về PCBLGĐ, thực hiện bình đẳng trong gia đình và bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình.

Chính sách tập trung vào giải quyết các vấn đề như: Giảm nguyên nhân trực tiếp gây BLGĐ qua việc đưa người nghiện rượu hay gây BLGĐ đi cai nghiện bắt buộc; thủ tục hành chính và điều kiện xử lý vụ việc BLGĐ, các quy định về cấm tiếp xúc được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hơn, giúp nhà chức trách và cơ quan quản lý dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm của đối tượng bị bạo lực; có các biện pháp bảo đảm cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Các biện pháp hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập gia đình, cộng đồng được thực hiện hiệu quả, thực chất, kịp thời và đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng là nạn nhân; đồng thời, Luật PCBLGĐ (sửa đổi) cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của người có hành vi BLGĐ đối với hậu quả do mình gây ra; hoàn thiện về hòa giải trong PCBLGĐ; công tác thông tin, tuyên truyền và đề xuất bổ sung thêm chức năng cho số điện thoại 111 thực hiện tiếp nhận thông tin về BLGĐ.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đã có địa phương thực hiện thành công. Mặt khác, việc thực hiện có hiệu quả chính sách này sẽ góp phần bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; đảm bảo tính răn đe, giáo dục người vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, nâng cao hiệu quả công tác PCBLGĐ.

Sửa đổi Luật PCBLGĐ để phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn Việt Nam

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật PCBLGĐ (sửa đổi) lần này nhằm thực hiện các mục tiêu:

Thứ nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về xây dựng gia đình Việt Nam và PCBLGĐ trong tình hình mới; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Thứ ba, kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật PCBLGĐ; sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo cơ sở và khung pháp luật cần thiết cho hoạt động PCBLGĐ. Việc hoàn thiện các quy định về PCBLGĐ phải đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước thực hiện thẩm quyền của mình trong quản lý Nhà nước; Nhân dân dễ tiếp cận chính sách và gia tăng cơ hội hưởng thụ các quyền được bảo vệ an toàn và hạnh phúc theo tinh thần của Hiến pháp (năm 2013);

Dự kiến Luật PCBLGĐ (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ đưa vào chương

trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ nhất năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ hai năm 2022.

Cũng theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm tránh phát sinh mới về tổ chức bộ máy và biên chế để triển khai thi hành các quy định của Luật sau khi được thông qua. Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 về Đẩy mạnh công tác PCBLGĐ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở. Đội ngũ này sẽ thực hiện nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, vận động thực hiện Luật PCBLGĐ; tổ chức các biện pháp phòng, ngừa và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, thu thập, báo cáo thông tin về bạo lực gia đình ở cộng đồng.


Ngọc Anh