Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Qua 10 năm triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương theo quy định, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thành phố đã tổ chức 354 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng cơ bản cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở tổ dân phố/thôn, phường/xã, quận/huyện.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước ở lĩnh vực công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng. 

leftcenterrightdel
BLGĐ đối với phụ nữ, trẻ em... là vi phạm pháp luật ( ảnh minh họa) 

Từ năm 2008 đến nay, toàn thành phố đã xử lý 1.766 số vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Trong đó có 45 trường hợp bị xử lý hình sự, 848 trường hợp bị xử lý hành chính, 7 trường hợp xử lý theo biện pháp cấm tiếp xúc. Theo số liệu thống kê, số vụ bạo lực gia đình năm 2009 là 334 vụ, giảm xuống còn 172 vụ (năm 2017) và 6 tháng đầu năm 2018 chỉ còn 58 vụ.
Toàn thành phố có 56/56 phường, xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ, thành lập mô hình phòng, chống BLGĐ và xây dựng  đường dây nóng, thành lập 237 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 277 Nhóm, Tổ phản ứng nhanh phòng, chống BLGĐ,…
Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, hòa giải, các hộ gia đình đã hạn chế mâu thuẫn trong gia đình, tích cực xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, tập trung phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức hưởng thụ vật chất và tinh thần của từng thành viên trong gia đình.
Trên địa bàn thành phố có 1.944 Tổ hòa giải với 9.354 hòa giải viên. Nhờ hoạt động hiệu quả, trong thời gian qua, Tổ đã hòa giải thành công 3.428/4.080 vụ việc, đạt tỷ lệ 84%. Nhờ đó, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở các gia đình được giải quyết kịp thời, phòng tránh, ngăn ngừa được nhiều trường hợp có nguy cơ bạo lực, bạo hành gia đình.
Hằng năm, UBND thành phố cũng ban hành các Kế hoạch, Hướng dẫn, Công văn về việc tổ chức các hoạt động công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11…
Đánh giá cao những kết quả trong thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được trong 10 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc, ấm no thì xã hội mới phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng Luật Phòng, chống BLGĐ sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, xây dựng TP. Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh. 

leftcenterrightdel
Tập thể, cá nhân nhận Bằng khen từ UBND Tp Đà Nẵng trong công tác phòng, chống BLGD 

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Bộ máy thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ còn thiếu và không được đào tạo đúng chuyên ngành, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ triển khai đến cơ sở còn chậm. Những vụ vi phạm pháp luật về BLGĐ được phát hiện còn ít, có lúc chưa kịp thời so với thực tế, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của người dân ngại trình báo cơ quan chức năng, tìm cách che giấu hành vi bạo lực gia đình; ngân sách của địa phương đầu tư cho công tác phòng, chống BLGĐ còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu,…”

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành, đoàn thể địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, giao Sở VHTT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể địa phương đề xuất UBND TP kiến nghị Trung ương bổ sung điều chỉnh những vấn đề còn bất cập trong Luật Phòng, chống BLGĐ.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn TP về nội dung của Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp, các ngành trong việc phối hợp triển khai thực thi Luật, gắn chỉ tiêu phòng, chống BLGĐ vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi người dân trong phòng, chống BLGĐ. Tăng cường giáo dục trong trường học, lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ vào chương trình giáo dục ngoại khóa, phù hợp với từng cấp học để làm giải pháp lâu dài trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ ở thế hệ tương lai.
Thứ năm, huy động, thu hút đối tượng nam giới tham gia vào các hoạt động truyền thông để đem lại kết quả tích cực hơn.
Thứ sáu, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ. Thực hiện khởi tố và xét xử lưu động đối với một số vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng.
Lê Tâm