Góp ý vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) thông tin, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10.000 tỉ đồng/năm. Trong năm 2022, chỉ tính riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.

Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng BHXH trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người. Trong đó, số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn khoảng 2.500 tỉ đồng.

“BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, do đó khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH, tất cả những quyền lợi của người lao động đều bị ảnh hưởng và người lao động sẽ không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất” - đại biểu nhấn mạnh.

Đánh giá cao Dự thảo Luật đã sửa đổi nhiều quy định để tháo gỡ tình trạng về trốn đóng, chậm đóng BHXH, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cách bổ sung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Dự thảo Luật: Trốn đóng BHXH là trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH mặc dù có khả năng đóng", để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Bởi theo đại biểu, nếu quy định như Dự thảo Luật thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.

Bên cạnh đó, đại biểu Thủy đề nghị cần quy định rõ hơn về vấn đề hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp trốn đóng, để không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy đề nghị xử lý hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH bắt buộc như xử lý hành vi trốn thuế.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cũng cho rằng, thực trạng trốn, chậm, nợ đọng BHXH đã kéo dài nhiều năm qua, tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất kinh doanh. Mặc dù các cơ quan đã nhiều lần trao đổi, đưa ra giải pháp quản lý nhưng hiệu quả vẫn thấp, chưa có phương thức giải quyết dứt điểm.

“Tại sao không coi các khoản đóng BHXH bắt buộc như khoản thu thuế và quy định chế độ thu này như quản lý thu thuế” - đại biểu Thúy nêu ý kiến.

Theo đại biểu Thúy, nhiều nước trên thế giới đã quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan BHXH. Vì thế, hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH bắt buộc được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế, nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài.

"Nếu chúng ta áp dụng kinh nghiệm này của các nước, chắc chắn hiệu quả quản lý thu BHXH sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi Luật không cần thiết; đồng thời giảm nhẹ gánh nặng về thanh tra, kiểm tra, tố tụng khiếu kiện, giải quyết vi phạm" – đại biểu Thúy nói.

Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời, các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: Khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37 theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Vì vậy, đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ BHXH để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông).

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn), để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH của người lao động.

Đại biểu dẫn chứng, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn về nguyên nhân người lao động BHXH một lần và đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH dễ dàng như Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chính là tính ưu việt của nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Cũng theo đại biểu Thái, trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khoá XIII về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đánh giá có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng BHXH một lần, trong đó nguyên nhân chủ yếu người hưởng BHXH một lần đa số là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị mất việc làm, “tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID -19.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng”.

Đại biểu Hồng Thái nêu rõ, người lao động bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt; và trên thực tế tại các khu công nghiệp chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18 - 40, quá tuổi lao động trên hầu hết người lao động phải đi xin việc làm các công việc tự do khác, mặt khác công nhân nhiều tuổi cũng sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc và thực tế ở Việt Nam.

Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng BHXH bắt buộc ở khu vực không chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút BHXH một lần do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, nhiều tuổi rất khó tìm việc.

Do đó, đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo Luật) và tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật.

Về điều kiện hưởng lương hưu, theo đại biểu Phạm Thị Kiều, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định “… cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo luật như vậy là quá cao. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.

Ngọc Anh