Trong quá trình công tác, trực tiếp phụ trách khâu tiếp nhận và quản lý hồ sơ của BHXH tỉnh, bà Mão chính là “mắt xích” đầu tiên, quyết định thành công việc đưa chính sách BHXH tới với người dân. Người luôn phải thấu tình, đạt lý trong công việc để thuyết phục người lao động tự nguyện vào chuỗi an sinh.
Những sáng kiến hay
Nhận thức rõ vai trò của mình, bà Nguyễn Thị Mão đã trực tiếp điều chỉnh, tham mưu cho các cấp lãnh đạo ngành BHXH tỉnh tạo thay đổi căn bản trong công tác tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cách thức tiếp cận với người tham gia chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Trước đây, việc lưu trữ hồ sơ chủ yếu ở các phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, đa phần tài liệu có thời gian lưu trữ dài hạn, thậm chí lên đến 70 năm. Do vậy, khi cần hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu giải quyết chế độ hoặc bổ sung thời gian công tác,... công việc trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian vì sự sắp xếp chưa khoa học.
|
|
Bà Mão đã tổ chức thực hiện việc chỉnh lý kho hồ sơ công việc bằng cách phân loại, chỉnh lý, sắp xếp hồ sơ để đưa vào giá, hộp, tầng theo quy định. |
Để giải quyết vấn đề đặt ra, vào năm 2015, bà Mão đã tổ chức thực hiện việc chỉnh lý kho hồ sơ công việc bằng cách phân loại, chỉnh lý, sắp xếp hồ sơ để đưa vào giá, hộp, tầng theo quy định. Cách làm khoa học này được lãnh đạo, đồng nghiệp cơ quan đánh giá cao về tính hiệu quả.
Cần phải nói thêm, đây còn là việc làm chưa từng có tiền lệ trong suốt hơn 20 năm hình thành, phát triển của ngành BHXH tỉnh Hà Giang. Sự điều chỉnh từ ý tưởng táo bạo của bà Mão tạo nên cuộc “cách mạng” trong công tác lưu trữ, vừa giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ, vừa giảm phiền hà cho người lao động thụ hưởng chính sách BHXH.
Một trong những đóng góp quan trọng khác của bà Mão khi làm công tác BHXH tỉnh là phối hợp nghiên cứu, triển khai bằng phương pháp đăng thông tin trên trang website của ngành sáng kiến: “Tiện ích tra cứu kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng năm của người lao động tỉnh Hà Giang trên mạng internet góp phần cải cách thủ tục hành chính”.
Tận tụy với công việc
Bà Mão kể, trước đây, ngành bảo hiểm tỉnh không in tờ rời sổ BHXH hàng năm để cung cấp cho người lao động mà chỉ in thông báo kết quả đóng BHXH năm trước (mẫu C13) chuyển đến đơn vị và người lao động.
“Việc in mẫu C13 này gây tốn kém kinh phí, không thuận tiện cho việc lưu giữ hoặc sử dụng khi cần thiết. Dựa trên tình hình thực tế, tôi đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu để triển khai việc đăng thông tin lên website của ngành để người lao động dễ tiếp cận, chi phí cũng giảm xuống”, bà Mão chia sẻ.
|
|
Đến nay, cơ quan BHXH tỉnh Hà Giang đã cấp 2.633 sổ BHXH cho người tham gia. Tổng số người có thẻ BHYT so với dân số là 867.866/892.723 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,28% dân số trên địa bàn tỉnh. |
Sáng kiến của bà Mão được đánh giá cao là bởi trước đây, ngành bảo hiểm xã hội còn chưa thúc đẩy chuyển đổi số mạnh như hiện tại. Chưa kể, việc tiếp cận với công nghệ tại một địa phương còn nhiều thách thức như Hà Giang lại càng khó khăn.
Bên cạnh đó, bà Mão có sáng kiến: “Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong tra cứu hệ thống tiền lương - chức danh nghề nặng nhọc độc hại, đặc biệt nặng nhọc độc hại phục vụ công tác thu BHXH, BHYT và công tác giải quyết chế độ BHXH”.
Với sáng kiến này, bà đã nghiên cứu và thiết kế nên một cơ sở dữ liệu tổng hợp, gồm: Hệ thống tiền lương qua các thời kỳ từ năm 1985 đến nay; các văn bản hướng dẫn chức danh nghề và cụ thể chức danh nghề của từng ngành...
Sáng kiến sau khi được áp dụng vào thực tế đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm tối đa về nhân sự và thời gian thực hiện; hạn chế tối đa sai sót, nhầm lẫn của cán bộ xử lý nghiệp vụ. Không những vậy, khả năng ứng dụng được áp dụng trên phạm vi rộng trong ngành BHXH, các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp...
Đặc biệt, khi tham gia Cuộc thi “Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN” do BHXH Việt Nam tổ chức, bà Mão xuất sắc giành giải Ba khi đề xuất sáng kiến: “Giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đơn vị giao dịch qua mạng Internet khi lập hồ sơ tham gia đóng và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT”.
Phủ sóng BHXH, BHYT
Nhờ những đóng góp của những “người truyền lửa” như bà Mão đang góp phần giúp BHXH tỉnh Hà Giang đạt được những thành công tích cực. Tính đến ngày 20/6/2023, toàn tỉnh có 44.076 người tham gia BHXH bắt buộc, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 34.637 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 10.270 người.
Đến nay, cơ quan BHXH tỉnh Hà Giang đã cấp 2.633 sổ BHXH cho người tham gia. Tổng số người có thẻ BHYT so với dân số là 867.866/892.723 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,28% dân số trên địa bàn tỉnh.
|
|
Chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng "thẩm thấu" ở những vùng sâu, vùng xa. Ảnh minh hoạ. |
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực; bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, trong 6 tháng đã chi BHXH, BHTN cho 116.193 lượt người với số tiền chi trả 558 tỷ 845 triệu đồng, giải quyết chế độ cho 2.016 hồ sơ hưởng chế độ BHXH. Thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, từng bước kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT. Qua đó góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, BHXH tỉnh Hà Giang dự kiến tiếp tục phát huy tốt những nền tảng, tiềm lực đang có, đặc biệt là nâng cao vai trò của những gương sáng điển hình tiên tiến trong công tác phát triển, lan tỏa chính sách BHXH để tăng độ “phủ sóng” BHXH, BHYT trong cộng đồng, mang lại lợi ích bền vững cho người dân.