leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Nên quy định đóng BHXH 15 năm hay 20 năm?

Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Ủy ban có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định và cho rằng, việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (ảnh: VPQH cung cấp).

Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng:

Thứ nhất: Việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu.

Thứ hai: Quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng. Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.

Thứ ba: Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng bảo hiểm xã hội, nếu đóng bảo hiểm xã hội 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành. Điều này phù hợp Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.

Thứ tư: Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Thứ năm: Cho dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách này.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Mặc dù đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, song do còn ý kiến khác nhau, để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ:

Một là, cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này.

Hai là, cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, thì khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả? Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn và giải thích đầy đủ, thấu đáo để người lao động, dư luận xã hội hiểu rõ và đồng thuận.

Trợ cấp xã hội cho người cao tuổi sẽ được tăng lên?

Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội người cao tuổi được quy định tại Luật Người cao tuổi.

Tại Báo cáo số 1888 của Ủy ban Xã hội đã đề cập 2 loại ý kiến khác nhau về nội dung này nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này về việc bổ sung quy định “trợ cấp hưu trí xã hội” trong dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết bổ sung quy định về “trợ cấp hưu trí xã hội” vào dự án Luật mà có thể sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về bảo hiểm xã hội tương tự như quy định chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự nội dung làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất nhằm bảo đảm hướng tới từng bước hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết, linh hoạt và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp trung ương khóa XII, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ:

Thứ nhất: Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, nhất là các tác động liên quan đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế hay không? Hiện nay dự thảo Luật mới chỉ giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội” là chưa đầy đủ.

Thứ hai: Cần nghiên cứu để bổ sung quy định việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng theo hướng linh hoạt hơn để đối tượng này có mức hưởng cao hơn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 của dự thảo Luật.

Thứ ba: Bên cạnh đó, có ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội cho rằng, hiện nay trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi còn rất thấp và có khoảng cách khá xa so với mức chuẩn nghèo về thu nhập (kể cả ở nông thôn và thành thị). Chính vì vậy, khi chuyển nhóm đối tượng rất đặc thù này với mức hưởng rất thấp sang phạm vi của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì liệu có hợp lý?

Hơn nữa, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là một loại trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không có thu nhập, không xuất phát từ nguyên tắc đóng - hưởng như đối tượng hưu trí. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng chưa nêu cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ để quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật tuổi hưởng trợ cấp là 75 tuổi…

Minh Khôi