|
|
Bản Tá Miếu thuộc địa bàn Đồn A Pa Chải. |
Nằm trong số những đồn biên phòng được thành lập sớm nhất trong hệ thống biên phòng của tỉnh Lai Châu trước đây cũng như tỉnh Điện Biên hiện nay, Đồn A Pa Chải được giao nhiệm vụ quản lý 58km đường biên với 18 cột mốc dọc hai tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung, thuộc địa bàn xã Sín Thầu - nơi phần lớn dân cư là đồng bào sắc tộc Hà Nhì, số ít là dân tộc Mông và dân tộc Kinh. Theo lịch trình, đoàn chúng tôi dừng chân tại bản doanh Đồn A Pa Chải và thật mừng khi được Ban chỉ huy đồn nhiệt tình giúp đỡ. Thiếu tá Đặng Văn Tuấn - Đồn trưởng đồn A Pa Chải năm nay tuổi chưa đến ngũ tuần, nhưng đã có “thâm niên ở rừng” và nhất là “thâm niên... xa vợ”. Trong câu chuyện bên đống lửa sưởi ấm, anh vui vẻ cho biết: “Đến thời điểm này mà nói, mọi khoản vật chất cho anh em trong đơn vị ăn Tết, bộ phận hậu cần đã lo khá tươm tất. Ngoài tiêu chuẩn theo định lượng thì lợn, gà trong chuồng, cá dưới ao, rau xanh ngoài vườn, thóc gạo anh em tự sản xuất... chỉ thêm ít tiền mua bánh kẹo, hoa quả và vài chai rượu cho có hương vị ngày xuân. Theo chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Tết này, chúng tôi sẽ tổ chức cho nhân dân một số bản đón xuân tập trung. Tôi tiếc là mình không biết làm thơ để viết về những giao thừa biên cương như thế, nói chung rất xúc động và có cái gì đó không diễn tả được hết bằng ngôn ngữ thông thường...”.
Đang chuyện trò rôm rả, bỗng nhiên Đồn trưởng Đặng Văn Tuấn ngừng lời. Qua ánh lửa bập bùng, tôi nhận thấy hình như có những giọt sương khuya vô tình “rơi” vào đôi khóe mắt của người sỹ quan từng có những đêm gần như thức trắng để lên phương án phòng thủ khu vực. Có cảm giác Đồn trưởng Tuấn là người mang tư chất lãng mạn, chả thế mà giữa thời đại “công nghệ 4.0” phát triển như hiện nay, anh vẫn duy trì thói quen viết thư cho vợ thay vì gọi điện thoại. Anh lý giải: “Các cụ bảo “nét chữ là nết người”, đọc thư, thấy chữ như thấy tấm lòng nhau”.
|
|
Trên đường lên mốc A Pa Chải. |
Hoạt động của đơn vị thì rất nhiều, nhưng theo Ban chỉ huy thì thành công nhất trong năm qua là dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp ủy và Ban Chỉ huy đồn đã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), thực hiện các buổi hội đàm, tuyên truyền pháp luật và tuần tra song phương. Được biết, buổi tuần tra song phương gần đây nhất được thực hiện giữa đội tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải và đại đội Công an Biên phòng huyện Giang Thành, qua các mốc số 1 - 2 - 3 và mốc tại giao điểm đường phân giới giữa ba quốc gia láng giềng: Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Sau đó, chúng tôi cùng chỉ huy đơn vị, đi thăm một số khu nhà ở của anh em chiến sỹ; điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là sự sạch sẽ và ngăn nắp. Tại Hội trường đơn vị, một bàn thờ lớn đã được bài trí trang trọng và đẹp mắt. Nổi bật nhất là hai cành đào rừng sum suê, được mấy chiến sỹ trẻ thay nhau vác về từ ngọn núi cách đây hơn chục cây số. Bất giác, tôi hỏi một chiến sỹ trẻ mà tôi không kịp ghi tên: “Không được về đón Tết với gia đình, em có nhớ nhà không?”. Cậu chàng ửng hồng đôi má như má con gái, trả lời: “Dạ, có nhớ chứ ạ! Nhưng lính biên phòng mà anh, vả lại, ăn Tết ở đơn vị cũng vui mà”...
Mưa nắng lần nữa đi qua, diện tích tự nhiên Đồn quản lý vẫn thế và dòng Mo Phí vẫn lặng lẽ khiêm nhường như lẫn vào hệ thống sông suối mật tập trên toàn tuyến biên giới trong tỉnh. Lẽ thường, nói đến địa bàn biên phòng miền núi là người ta nghĩ đến sự gian truân, vất vả, song ở Sín Thầu có nỗi vất vả riêng mà nếu không đến đây thật khó cảm nhận hết. Sín Thầu là một trong gần 800 xã nghèo cả nước thuộc chương trình 30a/CP, vậy là một ngày nọ, nhiệm vụ “vực dậy” đời sống kinh tế - xã hội của Sín Thầu được các ngành, các cấp tin cậy đặt lên vai người lính biên phòng. Nói nghe đơn giản thế nhưng lúc nhập cuộc, bao nhiêu khó khăn lần lượt đặt ra khi mà bấy lâu, người lính biên phòng mới được học cách truy tìm dấu vết lạ ở đường biên, cách tổ chức trận địa để giữ dân, giữ đất...; chứ chưa ai dạy cho họ kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm mở trang trại vườn rừng, đào mương làm thủy lợi hoặc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và đôi khi cả đỡ đẻ giúp người dân...
|
|
Tuần tra biên giới. Ảnh: Hữu Thiêm |
“Phải giúp đồng bào, đúng vậy, nhưng giúp bằng cách nào?”. Đó là câu hỏi khiến tập thể cán bộ chiến sỹ Đồn A Pa Chải nhiều đêm giật mình thức giấc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, một kế hoạch hỗ trợ nhân dân Sín Thầu được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và bài bản. Được sự chung tay đồng lòng của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nhân dân, Đồn A Pa Chải đã xây dựng 4 nhà “Đại đoàn kết” tặng cho 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng thương binh Trang Sế Hừ (bản Long San) 1 nhà tình nghĩa trị giá trên 50 triệu đồng. Là người Hà Nhì chính gốc nên hơn ai hết, bà Pờ Mỳ Lế - Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - cảm nhận rõ niềm hạnh phúc mà cán bộ chiến sỹ biên phòng đã mang lại cho người dân Hà Nhì: “Được anh em Đồn A Pa Chải chia sẻ và giúp đỡ, nhân dân Sín Thầu xúc động lắm, họ bảo các anh đúng là bộ đội của dân thật rồi!”.
Mấy năm nay ở Sín Thầu ngày nào cũng vui như có hội - một thứ lễ hội không mở bằng tín ngưỡng mà mở bằng niềm tin, không mở ngoài thực địa mà mở trong trái tim mẫn cảm của người Hà Nhì, trước những công trình điện - đường - trường - trạm - nước sạch... mà cha ông họ ngay cả nằm mơ cũng không dám tưởng. Không rõ ai là người nghĩ ra câu khẩu hiệu ngời sáng chất nhân văn: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, chỉ biết, để hiện thực hóa chủ trương ấy, nhiều năm qua lực lượng biên phòng Đồn A Pa Chải đã thực sự “3 bám, 4 cùng” với bà con các dân tộc trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Từ các bản làng Sín Thầu, không khí Tết cổ truyền đang đến rất gần. Xuân này, vào lúc tiếng trống Giao thừa thúc giục lòng người, từ quê hương: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc... chắc sẽ có những trái tim bâng khuâng hướng nhịp đập lên biên giới, lên Điện Biên và lên A Pa Chải. Xin các mẹ, các chị, các em... hãy an lòng và thật hiểu cho, vì người lính biên phòng A Pa Chải còn bận thức gác nơi tiền đồn Tổ quốc, để giữ gìn sự bình yên cho Điện Biên và cho mùa Xuân đất nước...