Chương trình nhằm giới thiệu không khí nô nức đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân, đặc trưng các dân tộc, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2019.
Các hoạt động với sự tham gia của gần 100 đồng bào của 14 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Điện Biên), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (TP. Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Khmer (Sóc Trăng), dân tộc Nùng (Lạng Sơn) (bắt đầu về tham gia hoạt động từ ngày 10/1/2019) cùng sự tham gia của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Nhà hát Chèo Việt Nam.
|
|
“Xuân sum họp” là chủ đề hoạt động tháng 1 được tổ chức từ ngày 1 đến 31/1/2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam |
Đầu năm 2019, “Ngôi nhà chung” lại đón mừng một cộng đồng dân tộc về hoạt động hàng ngày tại Làng, đồng bào dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn. Đồng bào làm lễ dâng sao giải hạn và nghi thức vào nhà mới để chính thức nhận ngôi nhà Nùng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và xua đuổi những điều xui xẻo, chờ mong những gì an yên, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các cộng đồng anh em tại “Ngôi nhà chung” đặc biệt là các dân tộc phía Bắc cùng nhau hân hoan chung vui cất lên những lời ca tiếng hát, trò chơi dân gian đặc sắc cho những ngày mở đầu của một năm mới.
Cụ thể, Chương trình tháng 1 “Xuân sum họp” với các hoạt động như: Hoạt động chuyên đề điểm nhấn “Xuân sum họp”: Tái hiện Lễ dâng sao giải hạn của đồng bào dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn; Chương trình giới thiệu nghi thức “Lẩu Then” và khúc hát ngày Xuân; Hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày từ 06 - 20/01/2019 (tức từ 1 - 15/12 Âm lịch)
Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng gồm: Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...
Đan xen vào đó là các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu đinh năm, loại hình kịch Rô băm, các điệu múa rom vông, lâm lêu. Các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, đánh yến, đánh đu, đi cầu kiều... Giới thiệu hoa cải trắng Mộc Châu tại làng Thái, cảnh sắc tại không gian các làng dân tộc, sắc đào mơ mận Tây Bắc sẽ điểm thêm cho cảnh sắc mùa xuân.
Bên cạnh đó, ngày hội cũng tổ chức trưng bày ảnh với chủ đề “Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung”: Giới thiệu khoảng 40 bức ảnh giới thiệu các hoạt động lễ hội được bố trí theo các cụm, vùng miền để thấy được những hoạt động cũng như sắc màu văn hóa đã được các cộng đồng tái hiện tại Làng nhất là các lễ hội đón Tết vui Xuân của đồng bào.
Ngoài ra là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 14 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.