Căng thẳng những ngày đầu

Nếu ai không sống tại TP Đà Nẵng những ngày cuối tháng 7/2020 sẽ không biết được cảm giác căng thẳng và lo lắng như thế nào khi ca nhiễm COVID-19 mới ngoài cộng đồng được phát hiện. Ngày 24/7, bãi biển Đà Nẵng đang nhộn nhịp khách bỗng như chùng xuống khi du khách hay tin có ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

leftcenterrightdel
 Bộ Y tế đã cử các đoàn y bác sĩ vào để giúp Đà Nẵng dập dịch

Ngày 25/7, tuyến cáp treo Bana hill đang nhộn nhịp khách lên xuống trong những ngày trước thì bây giờ các buồng cabin đi lên trống trơn khách. Các hoạt động kinh tế, du lịch mới chớm bắt đầu vào đà để chuẩn bị cho sự phục hồi bỗng dưng khựng lại. Ngày 25/7, một bản tin mà không ai mong muốn cũng được Bộ Y tế phát hành với dòng tin cực kỳ tệ cho người dân Đà Nẵng cũng như người dân cả nước: Có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 99 ngày, ca nhiễm COVID-19 số 416 tại Việt Nam. Một bầu không khí lo lắng bắt đầu bao trùm lấy “thành phố đáng sống” và xinh đẹp giữa khúc ruột miền Trung. Dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại!

“Những biện pháp cấp thiết để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh ít nhiều khiến chuyến đi của quý khách không trọn vẹn, hoặc làm cho kế hoạch du lịch sắp đến của quý khách không được như ý muốn. Chúng tôi thật sự lấy làm tiếc và rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ trước những sự bất tiện do dịch bệnh gây ra và hẹn gặp lại quý khách vào thời điểm gần nhất vui vẻ, an toàn, thuận tiện hơn”, những lời trong lá thư của Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – Lê Trung Chinh gửi đến khách du lịch như một nốt nhạc buồn để thông báo về việc Đà Nẵng ngưng đón khách để bước vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến với dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Lá thư của Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Lê Trung Chinh gửi đến du khách 

Cuộc chiến bắt đầu, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, nhất là với Đà Nẵng chủ động, bình tĩnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Bộ Y tế hỗ trợ tối đa để Đà Nẵng dập tắt ổ dịch. Đảng bộ, Chính quyền Đà Nẵng đã huy động tối đa nguồn lực triển khai các phương án quyết liệt chống dịch, chủ động kích hoạt đồng loạt mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất. Nén nổi buồn, bỏ lại sự hoang mang lo lắng ban đầu, nhân dân Đà Nẵng bắt đầu cùng chính quyền chống lại dịch COVID-19.

Nói thì dễ nhưng khi sống trong một môi trường được xác định là “ổ dịch” thì thực sự là khó khăn. Sau ca nhiễm đầu tiên, những ngày sau đó số ca nhiễm bắt đầu tăng lên từng ngày. Có ngày con số ca nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng đã vượt qua con số 10 ca/ngày. Nguy cơ lây nhiễm hiện diện ở bất kỳ đầu khi mà lịch trình của các nhiễm mới là dày đặc.

leftcenterrightdel
Những ngày đầu, nhiều địa điểm tại Đà Nẵng được phong tỏa để chống dịch. Ảnh: vov.vn 

Có thời điểm, người dân Đà Nẵng tưởng như thành phố mà họ đang sống đã hết an toàn. Bất cứ người dân nào cũng hồi hộp chờ công bố bản tin mỗi tối để biết được liệu những địa điểm mà mình có mặt trước đó có người lây nhiễm COVID-19 ghé qua hay không.

49 ngày nỗ lực để có một kỳ tích

Phong tỏa, phong tỏa và phong tỏa là cụm từ quen thuộc với người dân Đà Nẵng ngày đầu có dịch. Biết rằng phong tỏa để dập dịch, để người dân được an toàn hơn, nhưng việc phong tỏa cũng đưa đến những bất tiện rất lớn cho người dân. Guồng quay của các cấp chính quyền, các ngành triển khai các công tác chống dịch chạy một cách tối đa thậm chí, chạy bằng 200% công suất thông thường. Đã có lúc các y, bác sĩ và nhân viên y tế trong tâm dịch đã kiệt sức nhưng rồi bằng lương tâm và trách nhiệm họ nhanh chóng gượng dậy để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh. Người dân cũng ý thức hơn, chấp hành triệt để hướng dẫn của chính quyền để cùng chống dịch. 

Các bệnh viện dã chiến bắt đầu được thiết lập hoặc xây dựng mới để hướng tới một cuộc chiến dài hơi với COVID-19. Và nỗ lực nào rồi cũng được đền đáp, con số các bệnh nhân lây nhiễm ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng sau thời gian tăng lên đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Đến một ngày con số về các ca nhiễm mới bắt đầu dừng lại.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ họp bàn về việc chống dịch tại Đà Nẵng 

Người dân Đà Nẵng bắt đầu tập đếm từng ngày. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày…mười ba ngày mười bốn ngày rồi mười lăm ngày Đà Nẵng không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Người dân Đà Nẵng bắt đầu cảm nhận được bình yên đang đến gần hơn. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được xây dựng gấp rút và cấp tốc để dự phòng cho một kịch bản dịch bùng phát dữ dội tại thành phố đáng sống đã bắt đầu tháo dỡ các thiết bị y tế chưa đón bệnh nhân nào. Chưa có tiền lệ nào như thế khi mà người chính quyền và người dân cảm thấy vui mừng khi một bệnh viện xây dựng lên và giải thể ngay sau đó mà không đi vào hoạt động.

Ngày 11/9, tròn 49 ngày kể từ khi Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ngoài cộng đồng (25/7/2020), người dân Đà Nẵng bắt đầu nhận tin vui khi UBND thành phố có công văn chuyển trạng thái mới chống dịch COVID-19. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại sau một thời gian rất dài đóng cửa kể cả bán mang đi. Học sinh, sinh viên bắt đầu chuẩn bị để bước vào năm học mới.

Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên học sinh bắt đầu đi học lại từ ngày 14/9/2020. Các trường cao đẳng, đại học; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì hiệu trưởng, thủ trưởng các trường, cơ sở đào tạo quyết định ngày đi học lại của học sinh, sinh viên, học viên trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản và phải từ ngày 14/9/2020 trở đi.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác của Bộ y tế rời Đà Nẵng sau khi dịch COVID-19 tại địa phương cơ bản được khống chế 

Các nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học; các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm...bắt đầu đi học lại từ ngày 21/9/2020.

Mặc dù vẫn chưa thể trở lại với trạng thái bình thường nhưng những gì Đà Nẵng đạt được trong công tác chống dịch COVID-19 như vậy có thể nói đã là một kỳ tích. Kỳ tích ấy được đánh đổi bằng mồ hôi thậm chí là nước mắt của cả hệ thống chính trị, đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội, chính quyền và người dân Đà Nẵng.

Kỳ tích ấy có sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành trung ương và các địa phương khác. Kỳ tích ấy cũng  được xây dựng bằng tinh thần dân tộc, đoàn kết, chung sức đồng lòng của người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Xuân Nha