5 Nhà báo, cộng tác viên bị xử lý trong tháng 7, đó là một con số kỷ lục về việc xử lý phóng viên, cộng tác viên trong một tháng trong mấy năm trở lại đây. Đó là con số mà bất cứ phóng viên chân chính nào cũng thấy buồn, chạnh lòng. Đó là những con sâu làm vẫn đục nền báo chí cách mạng cần được xử lý nghiêm khắc.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, giữa tâm dịch của COVID 19, cả trăm phóng viên đang lăn lộn tác nghiệp để trước hết là đưa đến cho người dân trên cả nước cái nhìn toàn cảnh nhất về những gì đang xảy ra tại Đà Nẵng. Hơn nữa, cánh phóng viên chúng tôi cũng tự nhắc nhau rằng, người dân cần thông tin tốt nhất, cần thiết nhất để có cách phòng chống lại dịch bệnh đang hoành hành.

leftcenterrightdel
 Phóng viên ngồi bệt vỉa hè gửi tin bài cập nhật tình hình chống dịch tại Đà Nẵng

Trong tâm dịch, ai là người phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất?. Tất nhiên, câu trả lời vẫn là lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế đang hàng phút, hàng giờ tiếp xúc với người bệnh, chăm sóc người bệnh. Tiếp đến nữa là lực lượng công an, họ đang vất vả làm việc trong vùng dịch, cố gắng hết sức để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Rồi ai nữa, đó là người dân, là đồng bào của chúng ta đang phải sống trong các khu cách ly. Họ cũng có thể trở thành nạn nhân của con virus SARS-CoV-2 khi nào không hay. 

Nhưng ít ai biết rằng một lực lượng cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm hằng ngày để có những tin tức đắt giá, cần thiết đến bạn đọc, đó là các phóng viên Nhà báo.

Rõ rồi, Nhà báo làm ra những tin bài về những y bác sĩ, nhân viên y tế đang kiệt sức để chạy đua chống lại dịch bệnh. Nhà báo có thể viết về lực lượng công an trắng đêm cắm chốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhà báo viết về những người dân trong khu cách ly đang thiếu thốn, những người đang mắc kẹt tại Đà Nẵng đang cần gì.

Nhà báo viết về lãnh đạo trung ương, chính quyền địa phương, lãnh đạo địa phương phải căng sức mình để tìm cách cùng dân mình mình chống dịch. Nhưng, Nhà báo không viết về những nguy hiểm mà chính họ đang phải đối mặt trong quá trình tác nghiệp giữa tâm dịch.

leftcenterrightdel
 Phóng viên trong bộ đồ bảo hộ tác nghiệp tại BV Đa khoa Đà Nẵng.

Ban đầu, khi Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Nhà báo lập tức lao ra đường tác nghiệp với đồ bảo hộ chỉ là chiếc khẩu trang. Rồi khi Đà Nẵng ở giai đoạn bùng phát với nhiều ca bệnh mắc COVID-19 liên tiếp được phát hiện, biết rằng nguy hiểm nhưng nhiều anh, chị em phóng viên vẫn phải đi làm để có những bản tin sát thực nhất. Lúc này, may mắn thì một vài phóng viên được trang bị thêm bộ đồ bảo hộ.

Rồi những ngày Đà Nẵng được lệnh cách ly xã hội, các quán hàng ăn uống được lệnh đóng cửa, vì nghề nghiệp nhà báo vẫn phải đi làm để lấy tin, chụp ảnh. Không quán cà phê, không quán ăn mở cửa, hình ảnh anh em phóng viên ngồi bệt dưới vỉa hè đường phố để gõ tin, làm bài không còn là chuyện hiếm. Rồi ăn ở đâu khi mà quán hàng đã ngưng bán?, những anh em gần thì có thể tranh thủ về qua nhà ăn vội bát cơm, những anh em nhà xa thì chấp nhận chia nhau gói bánh, chai nước để tiếp tục bám trụ tác nghiệp.

leftcenterrightdel
 Phóng viên tác nghiệp trong khu cách ly.

Nay dịch bệnh đang căng thẳng, qua nhiều ngày tác nghiệp anh em chúng tôi lại hỏi nhau “ổn không, có triệu chứng gì không?”. Sẽ rất lo lắng khi phóng viên nào đó cảm thấy “không được khỏe”.

Đau lòng khi nhận những tin không tốt về đồng nghiệp. Nhưng rồi anh em lại nhắc nhau không hoang mang lo lắng, nhắc nhau cẩn thận trong tác nghiệp. Chúng tôi nhắc nhau đành phải chấp nhận nếu có một đồng nghiệp nào đó dính phải dịch bệnh. Chúng tôi đã rất cẩn thận nhưng nếu có nhiễm dịch, đồng nghiệp tôi xứng đáng hoàn thành nhiệm vụ và cần được nghỉ ngơi, được chăm sóc.

leftcenterrightdel
Nhà báo Lê Phi - Báo Pháp luật TPHCM (bên trái) trao đồ bảo hộ mà anh kêu gọi được cho phóng viên Huy Đạt báo Thanh Niên 

Với cá nhân tôi, Ban biên tập báo luôn quan tâm hỏi thăm thường xuyên về sức khỏe và chỉ đạo phải quán triệt nguyên tắc an toàn là trên hết, thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo sức khỏe khi thâm nhập lấy tư liệu viết bài; không bất chấp nguy hiểm để tác nghiệp. Tổng biên tập cũng yêu cầu 100% phóng viên, nhân viên Cơ quan đại diện miền Trung - Tây Nguyên Báo BVPL  tại TP Đà Nẵng phải đi xét nghiệm virus SARS-nCoV-2, chi phí do tòa soạn chi trả...

Tôi tin, với các bạn phóng viên khác cũng vậy, nhưng chúng tôi biết trách nhiệm của mình là đưa đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất, tốt nhất để bạn đọc hình dung được những gì đang diễn ra trong tâm dịch và biết cách phòng tránh tốt nhất.

Ngay lúc này, khi tôi ngồi viết những dòng này, tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn chưa được về nhà ăn cơm tối, họ vẫn đang cố gắng lấy một bức ảnh ở một khu vực nào đó, hoặc đang ngồi bệt đâu đó, bật 3g gửi tin hay cố gắng viết cho xong bài báo giấy cho số tiếp theo.

Tất nhiên, hiện giờ chúng tôi đã được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ hơn nhưng không có nghĩa là hết nguy hiểm. Vẫn mong cho tôi và đồng nghiệp tôi luôn an toàn trong tâm dịch để bạn đọc luôn có những bản tin hay nhất trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này. Hãy cùng cố gắng để cùng người dân Đà Nẵng và người dân cả nước chiến thắng dịch bệnh...

Xuân Nha