Khởi tố vụ án hình sự là trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho người bị hại, người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị hại đã chết có quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) đồng thời dẫn chiếu tới nội dung các tội danh theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS 2105) thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, Điều 135, Điều 136, Điều 138, Điều 139, Điều 141, Điều 143, Điều 155, Điều 156 và Điều 226 của BLHS 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

leftcenterrightdel
Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đình chỉ xét xử tội danh "Hiếp dâm" theo Điều 141 BLHS 2015 của bị cáo Lê Quang Huy Phương do bị hại có đơn rút đơn yêu cầu khởi tố đối với tội danh này. Ảnh: X.N

Như vậy, có thể hiểu là với một số tội danh đặc thù, yếu tố ý chí chủ quan của người bị hại được tôn trọng và là cơ sở để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Cũng cần lưu ý, không phải trường hợp nào thuộc các tội danh nêu trên cũng đều được áp dụng quy định về khởi tố theo yêu cầu, mà chỉ các trường hợp thuộc khoản 1 của các điều luật tương ứng, nghĩa là ngay cùng một tội danh nhưng mức độ phạm tội có tính chất nguy hiểm hơn ở các khoản 2, 3 hoặc các khoản khác thì không áp dụng quy định này.  

Về hậu quả pháp lý của việc người có quyền yêu cầu nêu trên rút yêu cầu khởi tố vụ án, thì theo khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 quy định “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.

Đó là những quy định cơ bản của pháp luật liên quan đến việc khởi tố và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Trong thực tế, một số vụ án trong giai đoạn đưa ra xét xử bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố. Vậy trong tình huống này vụ án sẽ được xử lý như thế nào. Vấn đề này theo luật sư Lê Cao – Công ty luật FDVN thuộc Đoàn luật sư TP Đà Nẵng phân tích, trong quá trình áp dụng quy định còn có một số vướng mắc về thủ tục xử lý trong trường hợp có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, do đó TAND tối cao đã có Công văn số số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 có ý kiến về việc xử lý thống nhất trong áp dụng luật trong từng trường hợp như sau:

Thứ nhất, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: “Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của BLTTHS 2015 sự ra quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì HĐXX hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS 2015 sự ra quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm”.

leftcenterrightdel
Luật sư  Lê Cao – Công ty luật FDVN thuộc Đoàn luật sư TP Đà Nẵng. Ảnh: X.N

Thứ hai, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì HĐXX hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm”.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 155 BLTTHS 2015 thì, khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

“Vấn đề khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, rồi xử lý hậu quả pháp lý của việc người bị hại hoặc người đại diện của họ rút đơn đã có các quy định pháp luật quy định tương đối cụ thể. Trong một số trường hợp vì lợi ích và tôn trọng quyền của phía bị hại, vụ án có tính chất mức độ phù hợp theo các tội danh cụ thể người bị hại có quyền của mình trong việc quyết định có xử lý trách nhiệm hình sự hay không đối với người có hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Lê Cao cho hay.

Mới đây, vụ án Lê Quang Huy Phương phạm các tội “Cố ý gây thương tích”, “Hiếp dâm” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” được TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử. Trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án, bị hại đã có đơn rút đơn yêu cầu khởi tố đối với tội “Hiếp dâm” quy định tại Điều 141 BLHS 2015. Đây là tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên căn cứ vào quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên đình chỉ xét xử đối với tội danh này.


Xuân Nha