Theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, thì trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đương sự đã rút. Vấn đề đặt ra ở đây là hình thức của quyết định đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện đó như thế nào?
Quan điểm thứ nhất: Khi nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, Toà án sẽ xét xử yêu cầu còn lại, yêu cầu mà đương sự rút sẽ được Hội đồng xét xử đánh giá trong phần nhận định và đình chỉ trong phần quyết định của bản án.
Quan điểm thứ hai: Tại phiên tòa nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, phần yêu cầu còn lại nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau, thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và ghi nhận sự tự nguyện rút phần yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Người viết đồng ý với quan điểm thứ nhất là, khi nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, Toà án sẽ xét xử yêu cầu còn lại, yêu cầu mà đương sự rút sẽ được Hội đồng xét xử đánh giá trong phần nhận định và đình chỉ trong phần quyết định của bản án. Vì, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện, Tòa án phải đình chỉ phần rút yêu cầu của đương sự và giải quyết tất cả các yêu cầu của đương sự bằng một bản án dân sư, có như vậy vụ án dân sự mới được giải quyết triệt để và có cơ sở pháp lý.
Nếu Hội đồng xét xử chỉ ghi nhận phần rút yêu cầu của đương sự trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ mất quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, do quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay, sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Do đó, tất cả các nội dung yêu cầu khởi kiện dù đương sự đã rút một phần trước khi mở phiên tòa hay tại phiên tòa đều phải được tuyên tại phần Quyết định của Bản án, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự. Trường hợp không tuyên đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện đã rút của đương sự được chấp nhận, sẽ làm cho một phần nội dung khởi kiện bị bỏ trống và việc giải quyết vụ án không được rõ ràng, không đảm bảo việc giải quyết triệt để vụ án, ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của các đương sự và quyền kháng nghị của Viện kiểm sát.
Điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định:
“Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó”.
Việc đình chỉ giải quyết đối với phần yêu cầu khởi kiện đã rút, cũng là một vấn đề phải giải quyết trong vụ án.
Trên đây là ý kiến trao đổi mong được sự góp ý của bạn đọc, nhằm làm sáng tỏ nội dung trên.