Trong trường hợp vợ, chồng có đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nhưng sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì theo quy định tại khoản 3, Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ:
“Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.”
Trong trường hợp này tiền tạm ứng lệ phí sẽ được xử lý như thế nào? Pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể, dẫn đến có nhiều quan điểm xử lý khác nhau.
Đa số các Tòa án nhân dân hiện nay đều dựa vào Điều 361 của Chương XXIII: Quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 218 để trả lại tiền tạm ứng lệ phí cho người yêu cầu.
“Điều 361. Phạm vi áp dụng
... Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.”
“Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.”
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc xử lý tiền tạm ứng lệ phí của Tòa án như trên vì các lý do sau:
Thứ nhất, “Lệ phí” được hiểu như thế nào?
Khoản 2 Điều 3 Luật phí và lệ phí năm 2015 giải thích về lệ phí như sau:
“Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này”. (Lệ phí giải quyết việc dân sự của Toà cũng được quy định tại Danh mục trên).
Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của vợ và chồng, đây là một loại dịch vụ của dịch vụ công do Tòa án cung cấp, việc hoà giải trên là một phần của dịch vụ công được thực hiện khi tiến hành trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu của vợ, chồng.
Do đó, mặc dù đã đoàn tụ sau khi hòa giải nhưng ở đây vợ, chồng cũng phải được coi là đã sử dụng xong dịch vụ mà Tòa án cung cấp.
Thứ hai, người yêu cầu phải chịu lệ phí đối với yêu cầu của mình.
Khoản 1, khoản 3 Điều 37 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phi Tòa án. (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 326) quy định như sau:
“Điều 37. Nghĩa vụ chịu lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết việc dân sự
1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải chịu lệ phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu của họ, trừ trường hợp không phải chịu lệ phí Tòa án hoặc được miễn nộp tiền lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này.
3. Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn, hoặc không phải chịu lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí Tòa án thì mỗi người phải chịu 50% mức lệ phí Tòa án.”
Như vậy, Nghị quyết 326 đã khẳng định việc chịu lệ phí là bắt buộc đối với mọi việc dân sự, mọi tình huống xảy ra (trừ trường hợp không phải chịu lệ phí Tòa án hoặc được miễn nộp tiền lệ phí Tòa án theo quy định.)
Thứ ba, “sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ” được xem như là người yêu cầu rút đơn yêu cầu.
Tại câu 4, phần II của văn bản Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao ngày 5/1/2018 về việc giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có đề cập như sau:
“4. Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, sau khi hòa giải vợ chồng thống nhất đoàn tụ nhưng không rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định hòa giải thành hay ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án?
Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, nếu sau khi hòa giải, vợ chồng thống nhất đoàn tụ thì cần xác định đây là trường hợp nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện. Tòa án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.”
Như vậy, nếu áp dụng tương tự đối với việc hôn nhân và gia đình, thì việc “sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ” cũng phải được xem như là người yêu cầu rút lại đơn yêu cầu.
Thứ tư, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý tiền tạm ứng án phí khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa mà Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết 326 không quy định.
Đối với việc xử lý tạm ứng lệ phí, Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết 326 chỉ quy định trong giai đoạn “Chuẩn bị xét đơn yêu cầu” (điểm C, khoản 2 Điều 366) mà người yêu cầu rút đơn yêu cầu, thì tạm ứng lệ phí sẽ được sung vào công quỹ nhà nước, như sau:
“Điều 366. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
2. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây:
c) Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu;”
“Điều 18. Xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
5. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.”
Còn việc xử tiền tạm ứng lệ phí trong giai đoạn “sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ” vẫn chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, cũng như Nghị quyết 326.
Nhưng khi đối chiếu với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý tiền tạm ứng án phí khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa, cụ thể:
Tại Mục 3, phần II của Công văn Số: 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của Toà án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính, giải thích về việc chịu án phí trong trường hợp trên như sau:
“Quy định tại khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 18 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 không chỉ rõ là áp dụng cho giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa thì phải được hiểu bao gồm cả giai đoạn tại phiên tòa.”
Vậy, việc xử lý tạm ứng lệ phí trong giai đoạn “sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ” và trong giai đoạn “chuẩn bị xét đơn yêu cầu, người yêu cầu rút đơn Thẩm phán ra quyết định đình chỉ” phải được áp dụng tượng tự như nhau. Theo đó, tiền tạm ứng lệ phí đều phải được sung vào công quỹ nhà nước. Có như vậy, mới hiểu đúng bản chất của “Lệ phí” trong giải quyết việc dân sự hiện nay.
Trên đây là quan điểm cá nhân, rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến.