Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng có ý kiến tư vấn như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Lê Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng. 

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội được chia làm hai loại hình là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó:

- “Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia” (Khoản 2 Điều 3). Loại hình bảo hiểm xã hội này là dành riêng cho người lao động và người sử dụng lao động. Đúng với tên gọi của loại hình bảo hiểm này, nếu người lao động đủ điều kiện luật định thì người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

- “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất” (Khoản 3 Điều 3). Theo đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại bảo hiểm xã hội dành cho những người không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên phạm vi đối tượng tham gia của bảo hiểm xã hội tự nguyện rộng hơn bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

Về chế độ bảo hiểm xã hội của mỗi loại hình bảo hiểm, Khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định:

“1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

a) Ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.”

Có thể thấy, theo quy định pháp luật hiện hành, chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều hơn chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ chi trả cho 5 chế độ (gồm ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) thì bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ chi trả cho 2 chế độ (gồm hưu trí và tử tuất).

Về cách xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động vừa có thời đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về cách xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ chi trả chế độ bảo hiểm là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện).

Tuy nhiên, khi bạn chuyển từ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cần lưu ý: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của bạn sẽ được cộng nối vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chỉ để chi trả cho hai chế độ (hưu trí và tử tuất), còn ba chế độ (là ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) thì bạn sẽ không được chi trả. Cụ thể khoản 3 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định:

“Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.”

 

 

Bình Minh - Hương My