Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến về vấn đề này như sau:
Hộ kinh doanh phải nộp thuế khoán khi nào?
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Đồng thời, khoản 8 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC cũng nêu rõ:
“Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Như vậy, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh sẽ phải nộp thuế theo phương pháp khoán.
2. Mức đóng và cách tính thuế khoán hộ kinh doanh năm 2025
Các loại thuế hộ kinh doanh cần phải nộp gồm thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN. Theo đó, mức đóng như sau:
(1) Mức đóng thuế môn bài theo phương pháp khoán
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 65/2020/TT-BTC) quy định mức thuế môn bài đối với hộ kinh doanh được tính như sau:
- Hộ kinh doanh có doanh thu bình quân trên 500 triệu đồng/năm thì mức đóng thuế khoán môn bài của cả năm là 1 triệu đồng/năm.
- Hộ kinh doanh có doanh thu bình quân trên 300 triệu đồng/năm thì mức đóng thuế khoán môn bài của cả năm là 500.000 đồng/năm.
- Hộ kinh doanh có doanh thu bình quân từ 100 đến 300 triệu đồng/năm thì mức đóng thuế khoán môn bài của cả năm là 300.000 đồng/năm.
(2) Mức đóng đối với thuế GTGT và thuế TNCN
Theo Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Theo đó, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ thực hiện tính thuế khoán như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ thuế GTGT x Doanh thu tính thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Tỷ lệ thuế TNCN x Doanh thu tính thuế TNCN
Trong đó: Doanh thu tính thuế là doanh thu của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.