Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung - Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Pháp luật hiện hành đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ của hành vi, cụ thể:

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

[…] đ) Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

[…] b) Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

c) Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

d) Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

đ) Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

[…] k) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo;

[…] n) Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

o) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

[…] i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

[...] e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

[…] i) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

[…] c) Mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

VỀ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội danh sau:

Thứ nhất, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190)

Đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể như sau:

-         Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

-         Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;

-         Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể như sau:

-         Pháp nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

-         Pháp nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

-         Pháp nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Ngoài hình phạt chính nêu trên, pháp nhân thương mại còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Thứ hai, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191)

Đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể như sau:

-         Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

-         Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

-         Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ 120 kilôgam trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể như sau:

-         Pháp nhân tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

-         Pháp nhân tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

-         Pháp nhân tàng trữ, vận chuyển pháo nổ 120 kilôgam trở lên thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Ngoài hình phạt chính nêu trên, pháp nhân thương mại còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Thứ ba, tội gây rối trật tự công cộng (sử dụng pháo nổ) (Điều 318)

Pháp luật hiện hành quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Hình phạt tù có thể lên cao nhất đến 07 năm tù nếu người phạm tội phạm tội với các yếu tố sau:

-         Có tổ chức;

-         Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

-         Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

-         Xúi giục người khác gây rối;

-         Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

-         Tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật đã có những chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm liên quan đến việc sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo nổ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà một số đối tượng vẫn có thái độ coi thường pháp luật và lén lút thực hiện hành vi vi phạm nêu trên. Do đó trong thời gian tới - đặc biệt là thời gian cao điểm dịp Tết Nguyên đán - cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương để có sự vào cuộc, xử lý mạnh tay hơn nữa các vi phạm liên quan đến quản lý, tàng trữ và sử dụng pháo nổ để tăng tính răn đe, cũng như phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật này.

Hương My (t/h)