Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Vi phạm pháp luật hành chính là một loại vi phạm xảy ra khá phổ biến trong quá trình các cơ quan quản lý Nhà nước thực thi pháp luật về quản lý Nhà nước. Mặc dù, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm thấp hơn tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng vi phạm hành chính vẫn gây thiệt hại hoặc đe dọa lớn đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, cá nhân cũng như lợi ích chung của toàn thể cộng đồng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội trong nhiều lĩnh vực khác nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
1. Vi phạm pháp luật hành chính là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
“Điều 2: Giải thích từ ngữ
1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy vi phạm hành chính là hành vi vi phạm quy định pháp luật về hành chính của các cá nhân, tổ chức và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hành chính.
2. Những dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính
Tùy theo từng trường hợp mà hành vi vi phạm hành chính sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung hành vi vi phạm hành chính đều có các dấu hiệu, yếu tố cấu thành bao gồm: Mặt khách quan, mặt chủ quan, mặt khách thể, mặt chủ thể. Những dấu hiệu này được mô tả trong các văn bản pháp luật quy định về vi phạm hành chính, hình thức và biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
a. Mặt khách quan của vi phạm hành chính
Mặt khách quan được hiểu là những biểu hiện ra bên ngoài bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính, hậu quả của hành vi vi phạm hành chính, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm, công cụ, phương tiện, địa điểm, thời gian thực hiện vi phạm hành chính.
Dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của vi phạm hành chính là hành vi vi phạm hành chính. Nói một cách đơn giản, hành vi mà tổ chức, cá nhân thực hiện là hành vi xâm phạm đến nguyên tắc quản lý nhà nước, đã được pháp luật ngăn không cho thực hiện bằng cách quy định nó trong văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính.
b. Mặt chủ quan của vi phạm hành chính
Mặt chủ quan của vi phạm hành chính là những quan hệ tâm lý bên trong của chủ thể thực hiện gồm: Lỗi, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm.
Dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính là yếu tố lỗi của chủ thể có hành vi phạm. Lỗi là một trạng thái tâm lý thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hậu quả xấu trong hành vi của mình (biết trước được hậu quả xấu trong hành vi của mình mà vẫn thực hiện) và trong chính hành vi đó (hành vi chủ động, có ý thức….) tại thời điểm chủ thể thực hiện hành vi vi phạm.
c. Mặt khách thể của vi phạm hành chính
Khách thể của vi phạm hành chính là các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi trái pháp luật xâm hại tới. Tính chất của khách thể vi phạm pháp luật cũng là một yếu tố đánh giá mức độ nguy hiểm trong hành vi trái pháp luật. Là một trong những căn cứ để phân loại hành vi vi phạm hành chính.
d. Mặt chủ thể của vi phạm hành chính
Chủ thể của vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức có năng lực chịu trách nhiệm hành chính đã thực hiện hành vi trái pháp luật theo quy định của pháp luật hành chính. Mỗi loại vi phạm hành chính đều có chủ thể riêng tùy thuộc vào mức độ xâm hại và các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Chủ thể của vi phạm hành chính là cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính. Cá nhân từ tủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm hành chính do lỗi cố ý, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Trên đây là các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính bắt buộc phải có khi xác định hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính.