leftcenterrightdel
 Ths. Luật sư Nguyễn Trọng Hào tư vấn cho công dân.

Để nắm rõ hơn một số quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Ths. Luật sư Nguyễn Trọng Hào - Công ty Luật TNHH Nhân Bản cung cấp thông tin đến bạn đọc như sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật định nghĩa như sau:

“Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”

2. Các loại hình đăng ký sở hữu trí tuệ hiện nay.

Theo quy định hiện hành, có 3 loại quyền sở hữu trí tuệ chính bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp; Quyền đối với giống cây trồng, trong đó:

- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

- Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa

- Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

3. Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ như thế nào?

Thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam cho việc đăng ký quyền Sở hữu công nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký:

Đối với Nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế.

- 02 Tờ khai đăng ký theo Mẫu của bộ KHCN.

- 01 Bản mô tả

- Mẫu nhãn hiệu, Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp, bản vẽ Sáng chế.

- Chứng từ nộp phí, lệ phí 

- Các tài liệu khác nếu có như giấy ủy quyền, giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn, tài liệu xác nhận quyền đăng ký (trong trường hợp thụ hưởng từ người khác), tài liệu chứng minh quyền ưu tiên

Bước 2: Nộp hồ sơ:

Sau khi đã hoàn tất các thành phần cần có trong hồ sơ nêu trên thì quý khách sẽ tiến hành nộp đơn theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (có một số dịch vụ) của cục sở hữu trí tuệ.

Bước 3: Theo dõi và nhận kết quả: 

- Thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung. Trong quá trình theo đuổi đơn thì sẽ phải xử lý khi phát sinh cách tình huống như sửa đổi, bổ sung, khiếu nại, trả lời hoặc phản bác yêu cầu của bên thứ ba…

Sau khi hoàn tất quy trình trên và được chấp nhận thì văn bằng bảo hộ chính là kết quả mà quý khách sẽ nhận được từ Cục sở hữu trí tuệ. 

Phi Sơn T/H