Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng 
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định: “Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.”.

Như vậy, việc hợp tác giữa UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và Công ty TNHH Nam Trường vào dự án Bến xe khách huyện Krông Nô là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện dự án này là Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, không phải là Ủy ban nhân dân huyện. Cụ thể:

“Điều 8. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án

1. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định trong hợp đồng đối với dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc dự án được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Trường hợp có sai phạm trong quá trình hợp tác đầu tư gây thất thoát tài sản của Nhà nước thì tùy vào tính chất của vụ việc, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;

b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;

c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;

d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hương My