Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) quy định về Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng như sau:
“1. Các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
a) Tòa án;
b) Viện kiểm sát.
2. Những người tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
a) Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;
b) Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”
Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này (Điều 3 BLTTDS năm 2015).
Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật và nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 13 BLTTDS năm 2015 quy định về Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng:
“1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
2. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
3. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.
4. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
5. Người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Như vậy, trong vụ án dân sự, khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cụ thể:
1. Xử lý kỷ luật
Người tiến hành tố tụng là các cán bộ, công chức nhà nước. Nếu vi phạm các quy định của pháp luật thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người tiến hành tố tụng có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) như sau:
Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ
“1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Bãi nhiệm.
...”
Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức
“1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Ngoài bị xử lý kỉ luật thì người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
3. Đối với Bản án, Quyết định mà Tòa án đã tuyên
Khi Tòa án cấp dưới đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong khi giải quyết vụ án thì tùy vào mức độ, tính chất của những sai phạm cụ thể, Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm (gọi chung là giám đốc thẩm) sẽ ra quyết định sửa bản án, quyết định hoặc quyết định hủy một phần hoặc toàn bộ đối với bản án, quyết định mà trước đó Tòa án đã tuyên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Cụ thể, đối với vụ án dân sự “Yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp chia thừa kế tài sản” nêu trên, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong khi giải quyết vụ án cụ thể là chưa tiến hành xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu để làm cơ sở giải quyết vụ án mà tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục được thì ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm đó sẽ bị hủy toàn bộ hay hủy một phần và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm theo quy định tại Điều 310 BLTTDS năm 2015 như sau:
“Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
2. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.”.