Về vấn đề này, Luật sư Trần Anh Tú – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
ThS. Luật sư Trần Anh Tú – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng . |
Hiện nay, nước ta có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về nguyên tắc, trình tự, thủ tục và xử lý vi phạm trong việc đấu giá tài sản. Trong đó, Luật đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định hành vi người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá thực hiện thông đồng, móc nối với đấu giá viên; tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo điểm b khoản 5 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016. Cụ thể:
“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
5. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:
…
b) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;”
Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá khác để dìm giá, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Xử lý hình sự:
Trường hợp đủ yếu tố cấu thành thì hành vi thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 218 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù. Ngoài ra, người đó còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 05 năm.
2. Xử lý vi phạm hành chính:
Nếu hành vi thông đồng dìm giá tài sản đấu giá chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ. Cụ thể:
“Điều 23. Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nếu người thực hiện hành vi vi phạm là người trúng đấu giá; khoản 2 Điều này dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công khi có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và g khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, g và h khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này”.
Theo đó, ngoài phạt tiền thì hành vi thông đồng dìm giá sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm: Hủy kết quả đấu giá tài sản và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.