Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Thực tế hiện nay tình trạng thi công sai thiết kế, sử dụng không đúng vật liệu xây dựng diễn ra rất phổ biến. Ngoài nguyên nhân từ phía các cá nhân muốn kiếm lợi ra thì nguyên nhân chủ yếu là do khâu tiến hành chọn nhà thầu còn lỏng lẻo nên xảy ra tình trạng các nhà thầu tuy không đủ, không đạt năng lực và yêu cầu vẫn trúng thầu dẫn đến các sự cố, hậu quả như trên.
Theo Điều 4 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện. Cụ thể:
“Điều 4. Nguyên tắc chung trong quản lý chất lượng công trình xây dựng
…
3. Nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện, Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
4. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Nghị định này. Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện các hoạt động xây dựng nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
6. Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện.”
Như vậy, trường hợp có sai phạm xảy ra trong quá trình thi công xây dựng dự án gây hậu quả nghiêm trọng thì cần điều tra làm rõ trách nhiệm cuộc về cá nhân, tổ chức nào. Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà tổ chức hay cá nhân đó có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
I. Xử lý hình sự:
Đối với hành vi thi công sai thiết kế, sử dụng không đúng vật liệu xây dựng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ và chức vụ của người thực hiện hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
…
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
…
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
…
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù lên đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình đối với “Tội tham ô tài sản” hoặc bị xử lý hình sự với hình phạt lên đến 12 năm tù đối với “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
II. Xử lý hành chính:
Nếu tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong quá trình thi công xây dựng công trình chưa đủ để xử lý hình sự thì cá nhân hay tổ chức sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 32 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở như sau:
“Điều 32. Vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tuân thủ quy định của thiết kế về sử dụng vật liệu xây dựng;
…
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
e) Buộc sử dụng vật liệu theo thiết kế được phê duyệt trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;”
Như vậy, đối với hành vi không tuân thủ quy định của thiết kế về sử dụng vật liệu xây dựng, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc sử dụng vật liệu theo thiết kế được phê duyệt trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng.