Về vấn đề này, LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), có ý kiến như sau:

"Việc tự ý lồng ghép âm thanh phản cảm, sai sự thật vào video quay cảnh các cán bộ chiến sĩ CSGT khi đang làm nhiệm vụ và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội có thể dẫn đến sự sai lệch trong việc tiếp nhận thông tin và nhận thức của người xem về nội dung video, gây hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng và lực lượng Công an nói chung.

leftcenterrightdel
 LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).

Hiện nay, cùng với sự phát triển và bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều Youtuber và Tiktoker đã không ngần ngại thực hiện các hành vi chỉnh sửa, cắt ghép hoặc đưa các thông tin sai sự thật lên các nền tảng mạng xã hội với mục đích câu view, câu like, tăng tương tác, gây tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận thông tin của người xem, nếu tình trạng này còn kéo dài và không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền thì có thể dẫn đến các hệ lụy rất nặng nề về sau.

leftcenterrightdel
 Tài khoản tiktok “Đình Dũng” viết bản cam kết không tái phạm tại trụ sở Công an. (Ảnh: Thái Thanh).

Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, và Khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử; và Khoản 37, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, thì những đối tượng có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, ngoài ra còn buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần có các kế hoạch, phương án tuyên truyền, giáo dục người dân về mức độ, hậu quả và trách nhiệm của những đối tượng thực hiện hành vi có thể phải gánh chịu, cũng như có các biện pháp kịp thời ngăn chặn việc các đối tượng thực hiện các hành vi này".

Phan Hải