Để khắc phục “lỗ hổng” của pháp luật, nhằm ngăn chặn những vi phạm trong hoạt động chứng khoán, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu sai mục đích; tạo môi trường minh bạch trong các hoạt động về chứng khoán và phát hành trái phiếu, đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Luật sư Phí Văn Hiếu (Đoàn luật sư Hà Nội), nêu quan điểm, kiến nghị một số biện pháp như:
Thứ nhất: Hoàn thiện các quy định về Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.
Tại khoàn 2, Điều 7 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán chỉ rõ: “Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều này”; tuy nhiên, cho đến nay, Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành hơn 1 năm (hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2021) nhưng Chính phủ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Trong đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 7 quy định về biện pháp “Giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán”, đây là việc làm vô cùng quan trọng; xây dựng và hoàn thiện cơ chế này là công cụ bảo vệ cho nhà đầu tư, duy trì thị trường chứng khoán bảo đảm tính minh bạch và bền vững. Để có hệ thống cảnh báo sớm chống lại sự thao túng thị trường chứng khoán cần thành lập cơ quan chuyên trách của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tăng cường giám sát chặt chẽ các mã giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp 2 phiên trở lên, nếu có dấu hiệu bất thường thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động rà soát, kiểm tra và cảnh báo sớm để xử lý kịp thời.
Thứ hai: Xây dựng quy chế ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và người sử dụng báo cáo kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ là vô cùng quan trọng; tại điểm a và b khoản 3, Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019 đã xác định trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu; minh chứng cho điều này. Tại điểm a và điểm b quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng như sau:
“ a) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỉ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm”;
Để có điều kiện chào bán trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đầu tiên 2 điều kiện nêu trên; tuy nhiên, 2 điều kiện này có chính xác hay không phụ thuộc cơ bản kết quả báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán. Vì vậy, để ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và người sử dụng báo cáo kiểm toán (ở đây là nhà đầu tư) cần xây dựng quy định về trách nhiệm bồi thường vật chất, ngoài việc chịu trách nhiệm về hành chính hoặc truy cứu về hình sự thì Kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán phải bồi thường trách nhiệm dân sự. Do hậu quả của việc bồi thường trách nhiệm dân sự có thể rất lớn nên cần quy định về việc Kiểm toán viên phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự; Ngoài ra, cần xây dựng Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên, tạo ra những kiểm toán chuyên nghiệp, minh bạch và uy tín, góp phần xây dựng thị trường huy động vốn an toàn cho các nhà đầu tư.