Việc xét hỏi tại phiên tòa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định tính có căn cứ của quyết định truy tố cũng như các nội dung khác liên quan trong vụ án. Do đó, ngoài việc chuẩn bị đề cương xét hỏi (có dự kiến sẵn các tình huống phát sinh) và đặt câu hỏi đúng trọng tâm thì tại phiên tòa, thái độ xét hỏi và phản ứng của KSV trước các tình huống để kịp thời thay đổi cách xét hỏi là đỏi hỏi rất quan trọng, nhất là trong trường hợp, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội.

Các phương pháp có thể sử dụng như: thay đổi thứ tự xét hỏi, cách ly các bị cáo khi xét hỏi, hoặc xét hỏi các bị cáo có thái độ thành khẩn trước... Khi làm tốt việc xét hỏi, KSV sẽ thuận lợi trong giai đoạn tranh luận. Ngoài ra, KSV phải kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong giai đoạn xét hỏi như: khi luật sư tiến hành xét hỏi thì sẽ có diễn biến các bị cáo khai mâu thuẫn so với phần xét hỏi của VKS hoặc có những tình tiết mới, nên KSV phải kịp thời xét hỏi bổ sung hoặc ghi nhận để chuẩn bị cho phần tranh luận, đối đáp.

leftcenterrightdel
Vụ án Trầm Bê được xét xử kéo dài trong nhiều ngày. Ảnh: PV 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Trưởng Phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh dẫn chứng:

Trong vụ án Trần Thị Thanh Ly và đồng phạm, Ly là chủ mưu, tổ chức việc sản xuất, buôn bán hàng giả, nhưng không trực tiếp thực hiện, quá trình điều tra, Ly luôn quanh co, chối tội, CQĐT đã dùng nhiều biện pháp đấu tranh nhưng Ly không thừa nhận hành vi phạm tội. Tại phiên tòa, KSV đã dùng phương pháp xét hỏi các đồng phạm trước, củng cố chặt chẽ chứng cứ buộc tội, nên buộc Ly phải thừa nhận hành vi phạm tội ngay trong giai đoạn xét hỏi.

Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, trong ngày thứ 6 của phần xét hỏi, luật sư mới giao nộp chứng cứ với mục đích hoãn phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận và yêu cầu đại diện VKS tại phiên tòa phải giải quyết các đề nghị của Luật sư và HĐXX trong thời hạn 3 ngày, nhưng VKS đã kiên quyết bác bỏ, không chấp nhận yêu cầu của HĐXX với những căn cứ, lập luận thuyết phục, chứng minh chứng cứ mới không có giá trị pháp lý, được thu thập không đúng qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự... Kết quả cuối cùng, vụ án đã được xét xử, VKS bảo vệ thành công quan điểm luận tội.

Cũng theo KSV Nguyễn Quỳnh Lan, đối với việc xây dựng bản luận tội, phải đánh giá, nhận định kỹ vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội, từ đó phân hóa tội phạm triệt để giữa bị cáo chủ mưu, cầm đầu và các đồng phạm, nhấn mạnh việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thể hiện sự khoan hồng của pháp luật sẽ áp dụng đối với bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội... để đề nghị mức án. Việc luận tội và đề nghị mức án sẽ tác động lớn đến tâm lý tội phạm, khi luận tội thuyết phục, đề nghị mức án phù hợp thì các bị cáo sẽ thành khẩn nhận tội, tạo điều kiện thuận lợi cho phần tranh luận, đối đáp và ngược lại. 

Điển hình như vụ án Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm, vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm... Khi xét hỏi, các bị cáo thể hiện thái độ ngoan cố, không thành khẩn nhưng sau phần luận tội và đề nghị mức án thuyết phục của đại diện Viện Kiểm sát, hầu hết các bị cáo đã thành khẩn nhận tội và xin được giảm nhẹ, khoan hồng. 

Một phương pháp KSV cần vận dụng trong các vụ án lớn, có đông bị cáo là, luận tội theo nhóm tội danh và kết luận chung hành vi phạm tội bám sát nội dung cáo trạng, chờ phần luận cứ của luật sư bào chữa và phần tự bào chữa của bị cáo mới đối đáp cụ thể, phương pháp này là cách để việc đối đáp được đầy đủ, toàn diện.

Nói riêng về phần tranh luận tại phiên toà, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng 2, VKSND TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phần tranh luận đạt kết quả tốt nhất thì phần đối đáp tại phiên toà phải đúng trọng tâm, đầy đủ, sắc bén, toàn diện, KSV ứng xử tình huống phải nhanh nhạy và đúng qui định pháp luật. 

Điển hình như vụ án Nguyễn Văn Nghĩa phạm tội “Giết người”, thủ đoạn phạm tội man rợ, che giấu hành vi phạm tội rất tinh vi, sau khi phạm tội đã tìm cách xóa dấu vết, gây khó khăn cho việc phát hiện của CQĐT. Đồng thời, trong suốt quá trình điều tra, bị can liên tục thay đổi lời khai, tại phiên tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, luật sư bào chữa theo hướng bị cáo không phạm tội. 

Quá trình tranh luận, nhằm bảo đảm cho việc tranh luận thuyết phục, toàn diện, KSV đã đề nghị HĐXX quay lại phần xét hỏi để đấu tranh, làm rõ, tiến hành tranh luận, đối đáp nhiều lần với luật sư và bị cáo. Trên cơ sở lập luận vững chắc, thuyết phục của KSV tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ đề nghị của đại diện VKS, tuyên bố bị cáo phạm tội Giết người với mức án Chung thân.

leftcenterrightdel
Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm. 

Trong vụ án Nguyễn Thanh Nga phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do bị can Nga có chức vụ, có trình độ chuyên môn cao nên thủ đoạn phạm tội cực kỳ tinh vi. Suốt quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nga luôn chối tội, tại phần tranh luận, đại diện VKS đã liên tục đưa ra những lập luận sắc bén, thuyết phục, trên cơ sở đó, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ đề nghị của đại diện VKS, tuyên bố bị cáo phạm tội. 

Vụ án Trần Kim Yến và đồng phạm phạm các tội: “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Đưa hối lộ”, “Làm môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tại phiên tòa, bị cáo cố tình giả vờ tâm thần, các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để Yến đi giám định, đồng thời, phủ nhận hành vi “Đưa hối lộ”, “Làm môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

KSV đã dùng các luận cứ bác bỏ việc bị cáo không có dấu hiệu tâm thần như: đơn xin xác nhận bệnh trầm cảm có chữ ký của bác sĩ và đóng dấu bệnh viện tâm thần Trung ương I của bị cáo và luật sư xuất trình là không có căn cứ vì không có bệnh án, quá trình điều tra, truy tố hoàn toàn không có biểu hiện tâm thần... do đó, không có cơ sở để đưa bị cáo đi giám định... lập luận của đại diện VKS đã được HĐXX chấp nhận và tuyên bố bị cáo phạm tội.

Bà Nguyễn Quỳnh Lan cho biết thêm, qua nhiều vụ án hình sự thời gian qua, các luật sư thường hướng đến các vi phạm tố tụng hình sự của ĐTV, KSV để bào chữa theo hướng các chứng cứ buộc tội vi phạm tố tụng hình sự nên không có giá trị pháp lý. Trong các trường hợp này, đòi hỏi việc ứng xử của KSV tại phần tranh luận phải bình tĩnh, nhạy bén, kịp thời.

Như vụ án Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm, trong giai đoạn tranh luận, luật sư của bị cáo Hứa Thị Phấn và các luật sư của các bị cáo đồng phạm liên tục đưa ra các luận cứ về các tài liệu vi phạm tố tụng hình sự là các biên bản lấy lời khai, hỏi cung, bản tường trình... việc các bị can bị hỏi cung cùng một lúc thể hiện qua ngày, giờ trong biên bản giống nhau... để cho rằng các tài liệu này không có căn cứ nên bị cáo không phạm tội.

Tình huống này, KSV tại phiên tòa đã lập luận, đây là các sai sót nhưng tại phiên tòa, trong phần thẩm vấn đã xác định không có bị cáo nào bị xét hỏi cùng một lúc nên không ảnh hưởng đến nội dung, bản chất của hành vi phạm tội và HĐXX có thể vận dụng các chứng cứ khác để buộc tội bị cáo để đảm bảo tính khách quan. 

Hoặc tình huống khác cũng trong vụ án này, ở lần đối đáp thứ ba thì bị cáo Nguyễn Ngọc Tuyết trình bày bị oan và giao nộp một tài liệu được xem là của ĐTV cung cấp cho bị cáo để thể hiện việc mớm cung. KSV đã kịp thời ứng xử khi đối đáp bằng việc lập luận tài liệu của bị cáo giao nộp chưa có căn cứ để xác định là ĐTV cung cấp, đồng thời, hồ sơ có rất nhiều chứng cứ khác để buộc tội bị cáo như: các biên bản lấy lời khai, vật chứng...nên đề nghị HĐXX vận dụng các chứng cứ này để xem xét, đánh giá. Lập luận của đại diện VKS tại phiên tòa được HĐXX chấp nhận và vụ án đã xét xử thành công.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Quang, nguyên Trưởng phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh, người đã từng giữ vị trí “ghế nóng” ở nhiều vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo và VKSND tối cao phân công THQCT, KSXX cho biết, đối với thời lượng tranh luận, đối đáp ở các vụ án, nhất là những án có nhiều bị cáo thì không hạn chế về thời gian, số lượt tranh luận nên đòi hỏi các KSV phải chuẩn bị thật đầy đủ, toàn diện. 

Điển hình như vụ án Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm có 52 luật sư bào chữa, phần luận tội của đại diện VKS khoảng một buổi nhưng phần tranh luận, đối đáp kéo dài nhiều ngày và HĐXX điều khiển cho đối đáp 3 lần mới kết thúc phần tranh luận; Vụ Phạm Công Danh và đồng phạm có 45 luật sư bào chữa, VKS công bố luận tội trong một buổi sáng nhưng phần tranh luận kéo dài gần 2 tuần và HĐXX cho VKS đối đáp nhiều lần theo từng nội dung. Vụ Lê Quang Trí, công bố luận tội trong một buổi sáng nhưng phần tranh luận kéo dài gần 1 tuần...

Vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm là điển hình cho việc tranh luận dân chủ giữa đại diện Viện kiểm sát với 45 Luật sư bảo vệ cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, với một thời lượng tranh luận không hạn chế. Qua phần tranh luận, đại diện VKS đã bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội, phạm tội danh khác... bảo vệ thành công toàn bộ quan điểm truy tố cũng như phần kiến nghị khởi tố các vụ án khác và đề nghị thu hồi tài sản. 

Ngoài ra, trong các vụ án lớn do VKSND tối cao phân công, lãnh đạo Viện và Vụ nghiệp vụ phải trực tiếp theo dõi và chỉ đạo tranh luận, đối đáp tại phiên tòa. Điều này sẽ hỗ trợ các KSV tự tin, bản lĩnh, toàn diện hơn khi tranh luận, đối đáp. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm (36 bị cáo), lãnh đạo VKS thành phố phối hợp với lãnh đạo Vụ 3 đã kịp thời chỉ đạo KSV dùng các luận điểm, căn cứ pháp luật đấu tranh với hàng chục luật sư, bị cáo, kể cả HĐXX để làm rõ đường đi của dòng tiền và đề nghị thu hồi gần 6.800 tỉ đồng cho Nhà nước; kiến nghị khởi tố 3 vụ án tại Tòa để điều tra đối với một số cá nhân có dấu hiệu phạm tội và kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu phạm tội để xử lý theo qui định của pháp luật. 

Hoa Việt - Lan Linh