Nhìn lại vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB), đến nay, Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB cũng như 25 người bị kết án khác đã và đang phải chấp hành mức án nghiêm minh của pháp luật.

Trong vụ án này, có Phan Văn Anh Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 là người khá am hiểu về pháp luật nhưng từ khi bị bắt để phục vụ quá trình điều tra và ở cả 2 cấp toà, bị cáo Vũ luôn không thừa nhận hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 203.195.616.438 đồng từ DAB của mình.

Trong khi đó, đây là vụ án lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn đến DAB và thị trường tài chính trong nước, do đó vụ án nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và xã hội. Việc “đấu trí” giữa đại diện cơ quan công tố và những tội phạm mưu mô, ngoan cố như Vũ “nhôm” trong vụ án này được đặt lên hàng đầu. 

Đại diện VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án này ở phiên toà sơ thẩm gồm các Kiểm sát viên (KSV) Phạm Văn Dũng (Vụ 3, VKSND tối cao), Nguyễn Quỳnh Lan (Trưởng phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh) và Lê Thị Đông (Phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh). Đại diện VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử ở phiên toà cấp phúc thẩm gồm hai KSV cao cấp: Cao Minh Trí và Nguyễn Khánh Toàn.

Ở mỗi cấp toà, yêu cầu đối đáp, xét hỏi là khác nhau, nhưng tựu trung, cả 5 đại diện VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ở cả 2 cấp toà đều rất bản lĩnh, bình tĩnh, linh hoạt trong đối đáp, lập luận chặt chẽ, sắc bén.

PV Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với 4 trong 5 KSV trên:

PV: Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm là một trong số những vụ án điểm về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực ngân hàng. Vụ án có quy mô lớn và rất phức tạp. Vậy để hoàn thành tốt vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ở cấp sơ thẩm như kết quả chúng ta đã nhận thấy, đòi hỏi yếu tố nào là quan trọng nhất?

KSV Nguyễn Quỳnh Lan, Trưởng phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh: Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” xảy ra tại DAB là vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, chỉ đạo.

Do đó, khi được VKSND tối cao phân công THQCT, KSXX, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tố gồm những KSV có năng lực, kinh nghiệm, có bản lĩnh làm nhiệm vụ THQCT, KSXX các vụ án lớn, tính chất phức tạp; thẩm định án, vụ việc và thực hiện các việc khác. Tổ công tố do Viện trưởng trực tiếp chỉ đạo. Khi được phân công, các KSV thuộc tổ công tố nhanh chóng tiếp cận hồ sơ, nghiên cứu, báo cáo Viện trưởng.

Các KSV phối hợp tốt để xây dựng đề cương xét hỏi, luận tội và dự kiến tranh luận. Tổ công tố phối hợp tốt với KSV biệt phái theo đúng tinh thần Quy chế phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới. Khi có vướng mắc, phát sinh trong quá trình nghiên cứu toàn diện vụ việc, tổ công tố kịp thời báo cáo với lãnh đạo, KSV Vụ nghiệp vụ trao đổi, thống nhất đường lối xử lý trước khi báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao theo quy định. Quá trình THQCT, KSXX tại phiên toà, các vấn đề phát sinh đều được báo cáo lãnh đạo Viện, lãnh đạo Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

leftcenterrightdel
Đại diện VKS (ảnh nhỏ) phát biểu quan điểm tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm (ảnh lớn). 

KSV trung cấp Lê Thị Đông, Phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh: Việc xây dựng đề cương xét hỏi, luận tội và kinh nghiệm xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà là đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đối với nội dung của vụ án.

Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm với 26 bị cáo, 320 nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ở cấp sơ thẩm, vụ án được xét xử kéo dài gần 1 tháng nên đòi hỏi ngoài việc tập trung theo dõi phiên toà, các KSV phải thay nhau xét hỏi theo nhóm tội danh hoặc theo nhóm bị cáo được phân công, ngay khi kết thúc các buổi xét xử, các KSV phải có nhiệm vụ tổng hợp và cập nhật diễn biến phiên toà để hoàn chỉnh bản luận tội trình lãnh đạo duyệt.

PV: Trong quá trình diễn ra phiên toà, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) liên tục cho rằng các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, cụ thể là Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình đối chất. Bị cáo Vũ cũng khăng khăng khẳng định việc vay mượn số tiền hơn 200 tỉ đồng chỉ là giao dịch dân sự, không có cơ sở để khởi tố hình sự. Vậy, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã lập luận ra sao?

KSV Nguyễn Quỳnh Lan, Trưởng phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh: Đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà không thành khẩn khai báo nhìn nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình đối đáp, tranh luận, KSV đại diện VKS đã trả lời rất cụ thể từng vấn đề mà bị cáo Vũ cáo buộc ĐTV, KSV; KSV cũng đã viện dẫn nhiều điều luật cụ thể để khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Vũ là “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” để chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỉ đồng của DAB chứ không đơn giản là giao dịch vay mượn bình thường. 

Đối với bị cáo ngoan cố như Phan Văn Anh Vũ, quá trình xét hỏi cũng như nội dung xét hỏi của KSV đã bám sát đề cương nhưng cũng phải  rất linh hoạt, đã loại bỏ hoặc bổ sung những câu hỏi mới cho phù hợp diễn biến phiên tòa. Trong quá trình xét hỏi, KSV liên tục phải nắm bắt diễn biến tâm lý, thái độ ứng biến của bị cáo Vũ để điều chỉnh nội dung xét hỏi cho phù hợp.

Mặc dù tỏ ra ngoan cố nhưng ngay tại phiên toà, bị cáo Vũ đã giao nộp đầy đủ số tiền do phạm tội mà có, số tiền này được xác định là trách nhiệm dân sự trong vụ án. Do đó, đại diện VKS, tổ án đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ nhưng không thể dưới mức đề nghị của đại diện VKS, có như vậy mới đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa với những kẻ có dự mưu tương tự.

PV: Sau khi xét xử sơ thẩm, có 18/26 bị cáo kháng cáo, trong đó, bị cáo Trần Phương Bình kháng cáo phần trách nhiệm dân sự, 2 bị cáo kháng cáo kêu oan; còn lại 16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Nguyên đơn dân sự là DAB và 7 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo phần trách nhiệm dân sự… Như vậy, trọng trách của Toà án cấp phúc thẩm cũng như của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn? 

KSV cao cấp Nguyễn Khánh Toàn, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh: Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm xảy ra tại DAB là vụ án lớn. Ở cấp sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và điều tra rất kỹ mới có thể đưa ra xét xử để bảo đảm việc giải quyết khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ở cấp sơ thẩm, để bảo vệ cáo trạng truy tố, VKSND TP Hồ Chí Minh đã phải nghiên cứu rất kỹ toàn bộ hồ sơ, các căn cứ để buộc tội đối với bị cáo. Theo đó, với những chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bị cáo tại phiên toà, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã bảo vệ thành công cáo trạng, đề nghị mức án hợp lý đối với 26 bị cáo trong vụ án.

Ở cấp phúc thẩm, với chức năng, nhiệm vụ là xem xét lại bản án sơ thẩm trên cơ sở kháng nghị (nếu có) và kháng cáo. Ngoài Vũ “nhôm”, trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng kêu oan. 16 bị cáo xin xem xét giảm nhẹ hình phạt tù.

Bị cáo Trần Phương Bình kháng cáo xin nhận trách nhiệm dân sự.… Do đó, KSV thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ở cấp phúc thẩm phải nắm tổng thể vụ án để  đưa ra nhận định thể hiện tính khái quát, tinh gọn và phải khác với đánh giá của cấp sơ thẩm để chứng minh các bị cáo không bị oan. 

leftcenterrightdel
Bị cáo Vũ “nhôm” và Nguyễn Thị Kim Xuyến kháng cáo kêu oan sau phiên toà sơ thẩm. Toà án cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo. VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo vệ thành công quan điểm truy tố. 

Đối với những bị cáo như Vũ “nhôm” thì phải dùng tất cả nguồn căn cứ, đánh giá tổng quát, phân tích vào quy trình cho vay của ngân hàng, thủ tục cho vay, quá trình giải ngân, diễn tiến sự việc, thời gian, không gian, địa điểm,….  Trên cơ sở đó kết luận việc Vũ “nhôm” khai mượn tiền cá nhân của bị cáo Bình là không có căn cứ. KSV cũng làm rõ mục đích thực sự của việc tăng vốn điều lệ… và dùng chính lời khai của bị cáo Vũ để buộc tội Vũ.

PV: Ở phiên toà phúc thẩm, để bảo vệ quan điểm truy tố, Kiểm sát viên đã dùng phương pháp đấu tranh nào là chính?

KSV cao cấp Nguyễn Khánh Toàn, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh: Ở cấp sơ thẩm, KSV được trực tiếp kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn ban đầu nên nắm rất chắc toàn bộ lời khai, quá trình phạm tội của bị cáo, từ đó có sự phân tích và đánh giá rất cụ thể, chi tiết. Nhưng ở cấp phúc thẩm, phương pháp và kỹ năng xét hỏi của chúng tôi đã phải dùng là phương pháp đấu tranh trực diện, cụ thể, vận dụng linh hoạt tất cả các nguồn căn cứ pháp lý, lý luận khoa học, triết học, logic học và những hiểu biết xã hội của bản thân về lĩnh vực có liên quan để đánh giá, lập luận khiến bị cáo tâm phục, khẩu phục.

KSV cao cấp Cao Minh Trí, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh: Ngoài bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã gửi 1 bản kháng cáo kêu oan viết tay dài hàng chục trang, trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng gửi hàng chục trang kháng cáo kêu oan. 

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến, cựu Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT DAB, bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt 20 năm tù về Tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (40 tỉ đồng của DAB) trong khoản vay 270 tỉ của Cao Ngọc Huy và 18 năm tù về Tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (thiệt hại cho DAB số tiền tổng cộng là 1.574.800.823.274 đồng).

Qua quá trình xét xử công khai tại phiên toà phúc thẩm, giữ vai trò công tố và kiểm sát xét xử, chúng tôi đã chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, dùng chính lời khai của các bị cáo, viện dẫn của các luật sư để khẳng định không có cơ sở xem xét kháng cáo kêu oan của  bị cáo Xuyến.

PV: Được biết, sau khi kết thúc vụ án, 2 đại diện của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh là KSV Cao Minh Trí và Nguyễn Khánh Toàn cũng như 2 đại diện của VKSND TP Hồ Chí Minh là KSV Nguyễn Quỳnh Lan và Lê Thị Đông, tất cả đều bị “sụt ký”, (giảm từ 2 - 4 kg). Nguyên nhân của việc “sụt ký” là do vụ án này quá phức tạp hay vì nguyên nhân nào khác?

KSV Nguyễn Quỳnh Lan, Trưởng phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh: Hiện nay, lực lượng KSV tham gia THQCT, KSXX tại phiên tòa hình sự của VKS 2 cấp TP Hồ Chí Minh là 177 KSV (trong đó: 48 KSV trung cấp, 129 KSV sơ cấp). Trung bình hàng năm THQCT, KSXX tại phiên tòa hình sự gần 4.700 vụ/7.100 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm và gần 600 vụ với hơn 800 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, bình quân mỗi KSV phải THQCT, KSXX tại phiên tòa hình sự 45 vụ/năm.

Đối với cấp thành phố, hầu hết các vụ án đều có tính chất phức tạp, số lượng bị cáo đông (có nhiều vụ án lên tới 60 - 70 bị cáo, nhất là các vụ án phạm tội đánh bạc, tội phạm liên quan đến ngân hàng,...); kéo theo đó, số lượng luật sư tham gia phiên tòa cũng rất nhiều (có vụ gần 80 luật sư) và thời gian xét xử có vụ kéo dài đến gần 2 tháng. Do đó, đòi hỏi KSV ngoài việc có trình độ chuyên môn vững vàng, tại phiên tòa phải tranh luận, đối đáp sắc bén, thì lý lẽ đưa ra  mới có sức thuyết phục, mới bảo vệ thành công quan điểm truy tố.

Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm cũng là một trong những vụ án điểm mà VKSND TP Hồ Chí Minh THQCT, KSXX sau khi được sự phân công của VKSND tối cao. Khi được phân công, tổ công tố của chúng tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để phối hợp với các đơn vị bạn cũng như làm tốt vai trò THQCT và KSXX vụ án, vì thế, việc “sụt ký” cũng là lẽ đương nhiên. Hai chị em phụ nữ chúng tôi còn trở nên xấu xí hơn nữa kìa (Cười...)

KSV cao cấp Nguyễn Khánh Toàn, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh: chị Quỳnh Lan giảm 4 kg, tôi giảm 2 kg. Còn lại, anh em trong tổ án ai cũng giảm từ 1 -2 kg nhưng sau khi phiên xử kết thúc, tất cả chúng tôi, từ Viện trưởng, Trưởng phòng,  anh em trong tổ án, KSV ngồi dự xử, cho đến những người làm công tác văn phòng, ai cũng đều thở phào nhẹ nhõm.

Mặc dù trước đó, tổ án chúng tôi đã theo dõi rất kỹ phiên xử sơ thẩm, nắm rõ diễn biến tâm lý của các bị cáo, hiểu được trình độ, cách thức của các luật sư…, nhưng đúng là chỉ đến khi Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án, chúng tôi mới thực sự an tâm. Với những vụ án như thế này, áp lực đặt lên vai chúng tôi là rất lớn. 

Việt Hoa (lược ghi)