Tôi đến Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội vào một sáng mùa hạ, khi hoa phượng cháy đỏ cả một góc sân trường và các sinh viên đang căng mình trong kỳ thi cuối năm học. Cô Hạnh và các giảng viên Khoa PLHS và KSHS đang tổ chức thi vấn đáp cho sinh viên. Tôi ngồi tạm ở chiếc ghế ngoài hành lang phòng thi chờ. Cô Lưu Thị Nguyên, cán bộ quản lý học viên mời tôi vào phòng chung của giảng viên. May mắn, tại đây, tôi được cô Nguyên bật mí nhiều câu chuyện thú vị về cô Hạnh.

Cô Bùi Thị Hạnh công tác tại Trường đến nay đã 16 năm, gắn bó cùng Nhà trường qua nhiều thời kỳ phát triển, thăng trầm. Khi cô Hạnh được tuyển dụng, nơi này là Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội, với bề dày phát triển đã hơn 3 thập kỷ. Sau đó hai năm, thực hiện Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội chuyển thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát, chỉ thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đã được tuyển dụng vào ngành. Đây có thể coi là thời kỳ khó khăn nhất của Nhà trường, tuy nhiên, cùng với một số cán bộ, giảng viên khác, cô Hạnh vẫn lựa chọn gắn bó với nơi này, kiên trì với một niềm tâm huyết và tình yêu nghề.

Năm 2013, Trường được nâng cấp thành Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trong niềm phấn khởi, lạc quan, tin tưởng của toàn Ngành và của các cán bộ, giảng viên yêu ngôi trường như cô. Lại một lần nữa, cô cùng với đội ngũ cán bộ chủ chốt của Nhà trường kề vai sát cánh, tích cực tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng, phát triển Nhà trường đi qua những ngày đầu khó khăn của mô hình đào tạo mới so với tiền thân trong các giai đoạn phát triển trước đó. 

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh cùng các sinh viên. Ảnh: Bá Huy
Gia đình cô sống tại một quận tận phía Bắc thành phố, 16 năm qua, ngày nào cô cũng đi về 40 km, xuyên qua những cung đường đông đúc nhất của TP Hà Nội để đến trường giảng dạy, công tác với một tình yêu ngành, yêu nghề bền bỉ và chưa bao giờ phai nhạt.

Cô Nguyên là người có gần 10 năm gắn bó với cô Bùi Thị Hạnh, vì vậy, cũng là người được chứng kiến nhiều câu chuyện sau giảng đường. Cô Nguyên cho biết, cô Bùi Thị Hạnh là một giảng viên yêu nghề, có tâm với học viên. Trước khi thực hiện chức năng đào tạo đại học, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong ngành. Cán bộ đi học hầu hết là người đã có gia đình, đến từ VKSND nhiều vùng, miền khác nhau, cuộc sống cá nhân với nhiều hoàn cảnh đặc biệt, trong đó khó khăn nhất là những học viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ trong thời gian theo học. Với những học viên như vậy, cô Hạnh luôn có sự thương yêu, chia sẻ, động viên đặc biệt.

Cô Nguyên nhớ lại, khoảng cuối năm 2017, có một học viên tên Vàng Thị Mến (quê ở Hà Giang), mới sinh con nhưng vẫn đưa theo con lặn lội xuống trường để dự thi tốt nghiệp. Nếu hoãn kỳ thi đó, Mến có thể bỏ lỡ cơ hội tham dự kỳ thi tuyển Kiểm sát viên tổ chức vào đầu năm sau, đồng nghĩa với việc bỏ lỡ nhiều cơ hội khác trong công việc.

Trò chuyện với phóng viên, học viên Vàng Thị Mến chia sẻ: “Thực sự em rất xúc động vì sự quan tâm, chăm sóc mà cô Hạnh đã dành cho mẹ con em. Lúc đó, em mới sinh, sức khỏe còn yếu, cháu bé còn nhỏ. Cô Bùi Thị Hạnh đã chăm sóc em như người trong gia đình, mang đồ sưởi ấm cho con em. Tình cảm của cô đã giúp mẹ con em vượt qua những ngày khó khăn nhất trong thời gian đó, giúp em hoàn thành khóa học đúng thời gian quy định. Dù em đã tốt nghiệp ra trường nhưng đến nay, cô - trò vẫn giữ tình cảm tốt đẹp như ngày nào”.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh, Trưởng khoa Pháp luật hình sự và kiểm sát hình sự 
Còn sinh viên Lê Hữu Tín (năm thứ 4) thì quả quyết với Phóng viên: “Nếu anh hỏi em về cô Hạnh, em có thể nói liên tục từ giờ đến sáng mai cũng không hết về cô.” Tín quê ở tỉnh Đồng Tháp, quyết định ra học trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với ước mơ được trở thành một Kiểm sát viên giỏi trong tương lai. “Không phải là ngay từ năm thứ nhất đâu anh, đến tận bây giờ, em vẫn còn nhiều bỡ ngỡ ở mảnh đất Thủ đô. Em nhút nhát lắm, nhưng được cô Hạnh, các thầy, cô và bạn bè giúp đỡ, em đã từng bước tiếp cận và bắt kịp nhịp sống ở nơi đây”, sinh viên  Lê Hữu Tín chia sẻ.

Tín cho biết, ngay khi vào lớp, Tín đã rất ấn tượng với cách giảng dạy của cô Hạnh. Cô là người cẩn thận, trách nhiệm và nghiêm túc trong chuyên môn. Đặc biệt, cô có phương pháp giảng dạy rất hấp dẫn, chi tiết và dễ hiểu. Tín lấy ví dụ, trước khi bước vào bài học mới, bao giờ cô Hạnh cũng yêu cầu sinh viên hệ thống lại những nội dung đã học trước đó. Điều này giúp sinh viên nắm chắc hơn kiến thức cũ, tạo mối liên hệ để tiếp thu tốt những kiến thức mới, khiến cho buổi học có tính lô gíc và thu hút.

Trong mỗi bài giảng, cô Hạnh luôn tập trung làm rõ những kiến thức trọng tâm, liên hệ với thực tiễn để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận thông qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Các quy định phức tạp, khô cứng của pháp luật được cô giảng, truyền đạt lại trở thành đơn giản, dễ hiểu, rất nhiều bài giảng được cô minh họa sinh động thông qua quá trình giải quyết các vụ án cụ thể. “Vì thế, dù đã học xong môn của cô rồi, đến khi làm bài thi hay cả nhiều năm sau chúng em vẫn nhớ những kiến thức đó, thậm chí nhớ như in lời cô giảng” – Lê Hữu Tín khẳng định.

Tín hào hứng khoe với PV, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên của em và nhóm bạn do cô Hạnh hướng dẫn đã đạt giải Nhất toàn trường năm nay. Hiện công trình nghiên cứu đó đang được gửi đi dự thi cấp Bộ, tham gia tranh tài cùng với công trình nghiên cứu của sinh viên đến từ các trường Đại học khác trong cả nước. Tín cũng là sinh viên luôn có thành tích học tập nổi trội của khóa 3, thuộc top 5 các sinh viên có điểm học tập cao nhất toàn khóa.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh (thứ 3 từ phải sang) là 1 trong 15 thành viên của Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Trường Giang 

Để có được kết quả đó, Tín cho biết, nhóm sinh viên của em đã được cô Hạnh tận tình hướng dẫn, khích lệ, động viên. “Cô thường xuyên, liên tục hỏi chúng em đã nghiên cứu đến đâu, có vướng mắc gì không rồi cô gợi ý hướng giải quyết luôn. Hôm nộp đề tài nghiên cứu, tận 23h em mới gửi bản thảo (gần 100 trang) nhưng sáng sớm hôm sau, em đã nhận được ngay phần chỉnh sửa, góp ý của cô. Nghĩa là cả đêm hôm trước cô đã không ngủ” – sinh viên Lê Hữu Tín chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giảng viên Bùi Thị Hạnh được đánh giá là một giảng viên gương mẫu, trách nhiệm trong nghề nghiệp. Cô luôn có sự trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực nghiên cứu lý luận và không ngừng học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để làm phong phú nội dung bài giảng. Các môn học về pháp luật hình sự và kiểm sát hình sự là những môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành, liên quan trực tiếp đến hoạt động kỹ năng nghề nghiệp của Kiểm sát viên (KSV) nên đòi hỏi giảng viên không chỉ có kiến thức lý luận tốt mà còn phải có hiểu biết sâu về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Để hiểu biết sâu về nghiệp vụ kiểm sát, cô luôn chủ động tìm hiểu hoạt động thực tiễn của KSV tại các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao hoặc tiếp cận, nghiên cứu thực tiễn công tác tại các VKSND địa phương, với mong muốn chuyển tải vào bài giảng những vấn đề thực tế sinh động hiện tại.

Nhận xét về giảng viên Bùi Thị Hạnh, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cho biết, cô Hạnh là một giảng viên quyết đoán, nghiêm túc trong công việc và biết quan tâm, giúp đỡ, cư xử đúng mực với các đồng nghiệp. “Cô Hạnh là một người có chí tiến thủ, có ý chí phấn đấu, trình độ chuyên môn rất tốt, mặc dù còn trẻ nhưng cô đã đạt được học vị cao và rất có trách nhiệm với đơn vị, với Nhà trường…” - Phó Hiệu trưởng Nhà trường Nguyễn Đức Hạnh cho biết.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Đại học Kiểm sát trong buổi học thực hành khám nghiệm hiện trường. Ảnh Kiemsat.vn

Đồng hồ đã chỉ qua số 12, lúc này ca thi sáng mới kết thúc. Trong tiết trời nắng nóng gần 40 độ C, cô Hạnh cùng các đồng nghiệp mới rời khỏi phòng thi. Gặp tôi, cô cảm ơn và nói rằng, “mình không có thành tích gì để kể, chỉ có một tình yêu nghề và hạnh phúc khi được là một giảng viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội”.

Hiểu ý của cô, tôi không dám hỏi gì thêm. Nhưng thông qua học viên, sinh viên, đồng nghiệp và lãnh đạo trường Đại học Kiểm sát Hà Nội chia sẻ, tôi tin rằng, bạn đọc có thể cảm nhận được phần nào về phẩm chất, con người của một nữ giảng viên, Trưởng khoa đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” của ngành Kiểm sát.

Nhiều thành tích nổi bật của TS Bùi Thị Hạnh

Với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh, Trưởng Khoa PLHS&KSHS đã đạt được nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Cụ thể, giảng viên Bùi Thị Hạnh được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm: 2013, 2015, 2016, 2017. Năm 2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 533/QĐ-VKSNDTC ngày 26/12 công nhận giảng viên Bùi Thị Hạnh là Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát năm 2017. Bên cạnh đó, cô cũng nhận được Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao (các năm 2013, 2016, 2017); Giấy khen Giảng viên giỏi của Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội các năm 2013; 2014; 2015; 2016; 2017. Cô Bùi Thị Hạnh cũng là chủ nhiệm và thư ký của 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp Bộ; 6 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Kiểm sát và Tạp chí Khoa học Kiểm sát; 6 bài giáo trình đã xuất bản hoặc đã thẩm định…


Vũ Cảnh