Ngày 14/9, truyền thông Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, Nasser Kanaani cho biết, vào sáng sớm cùng ngày, Tehran đã phóng thành công vệ tinh nghiên cứu Chamran 1 chế tạo trong nước và đưa vệ tinh vào quỹ đạo cách Trái đất 550 km.
Vệ tinh được phóng bởi tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn Qaem 100, do các chuyên gia hàng không vũ trụ thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) phát triển.
Vụ phóng là nỗ lực chung của Công ty Công nghiệp Điện tử Iran (IEI) thuộc Bộ Quốc phòng và Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Iran, được nói có ý nghĩa to lớn đối với người dân, các nhà khoa học và học giả Iran, trong điều kiện đất nước đang chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
|
|
Vệ tinh Chamran 1 được phóng bởi tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Qaem 100. Nguồn: Mehrnews. |
Tướng Amir Rastegari, Giám đốc điều hành IEI cho biết, vệ tinh Chamran 1 nặng 60 kg. Quá trình giám sát cho thấy vệ tinh đã ổn định và đang di chuyển theo quỹ đạo thiết kế.
Ông Rastegari lưu ý, Chamran 1 là vệ tinh đầu tiên do Iran sản xuất có thể thay đổi quỹ đạo sau khi phóng.
Sau khi được phóng lên quỹ đạo, Chamran 1 đã gửi những tín hiệu đầu tiên về mặt đất.
|
|
Video Iran phóng thành công vệ tinh Chamran 1/ Mehrnews. |
Các nước phương Tây đã nhiều lần cảnh báo Iran về các vụ phóng như vậy, nói rằng, công nghệ tương tự có thể được sử dụng cho tên lửa đạn đạo, bao gồm cả loại được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Iran nói, nước này không tìm kiếm vũ khí hạt nhân.
Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Âu cáo buộc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga, có khả năng được sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine, điều mà cả Tehran và Moscow đều phủ nhận.
|
|
Vệ tinh Chamran 1 sản xuất trong nước của Iran. Nguồn: Tasnim. |
Trong một cuộc họp báo cùng ngày bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, hợp tác quân sự giữa Iran và Nga không chứa các yếu tố vi phạm nghĩa vụ pháp lí quốc tế.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Moscow và Tehran đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác kĩ thuật và quân sự.
Tuy nhiên, ông Ryabkov lưu ý Mỹ không có nghĩa vụ can thiệp vào công việc của nước khác.