Tàu vũ trụ viễn thám Trái đất Khayyam của Iran đã được phóng thành công vào quỹ đạo ấn định với sự hỗ trợ của phương tiện phóng Soyuz-2.1b với tầng đẩy Fregat của Nga, từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, Cơ quan Vũ trụ Nga Roskosmos cho biết.
Ngoài vệ tinh Khayyam của Iran, nặng 500 kg, tên lửa Soyuz cất cánh lúc 8h52’ sáng 9/8, giờ Moscow (12h52’, giờ Việt Nam) còn mang theo 16 vệ tinh nhỏ khác, được chế tạo bởi các trường đại học, công ty và tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu của Nga, thiết kế để nghiên cứu khoa học và công nghệ, bao gồm thử nghiệm công nghệ thông tin liên lạc giữa các vệ tinh, đo mức bức xạ điện từ, viễn thám Trái đất và giám sát diễn biến môi trường,..
|
|
Vụ phóng vệ tinh Khayyam từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan. Ảnh: Tasnim. |
Khoảng 9 phút sau khi phóng, tên lửa đã đặt vệ tinh Khayyam vào quỹ đạo xác định, ở độ cao 500 km.
Iran cho biết vệ tinh được gắn camera có độ phân giải cao sẽ được sử dụng để giám sát môi trường và sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích dân sự.
Truyền hình nhà nước Iran, cơ quan phát sóng trực tiếp vụ phóng, dẫn thông tin từ cơ quan không gian dân sự nước này cho biết, vệ tinh Khayyam sẽ cung cấp hình ảnh giám sát chất lượng cao với độ phân giải 1 m/ pixel.
Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Iran Eesa Zarepoor, người đang ở Kazakhstan theo dõi vụ phóng, mô tả sự kiện là sự khởi đầu của hợp tác chiến lược giữa Iran và Nga trong ngành công nghiệp vũ trụ.
|
|
Diễn biến vụ phóng. Nguồn Farsnews. |
Theo ông Zarepoor, ngoài hợp tác chiến lược với Nga, Iran có kế hoạch nâng cao công nghệ vũ trụ trong nước. Tehran sẽ gửi một vệ tinh cảm biến vào quỹ đạo cách Trái đất 500 km vào tháng 3/2023.
Truyền thông Nga dân thông tin trên tờ The Washington Post của Mỹ cho biết, vệ tinh viễn thám Khayyam do Nga tạo ra cho Iran trên nền tảng Canopus-V, cho phép nhận được hình ảnh với độ phân giải 1,2 mét và theo dõi lãnh thổ của Lebanon, Syria và Yemen.
Bài báo lưu ý, đây là vệ tinh thứ 3 của Iran, giúp tăng đáng kể khả năng giám sát của Tehran từ không gian.
|
|
Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b của Nga. Nguồn: Roskosmos. |
Mặc dù đánh giá vệ tinh Khayyam kém độ nét hơn so với hầu hết các vệ tinh viễn thám hiện đại của phương Tây, tuy nhiên tờ The Washington Post, e ngại, thiết bị viễn thám này có thể được sử dụng để giám sát gần như liên tục các cơ sở quân sự ở Israel và các nước vùng Vịnh Ba Tư.
Triển vọng vệ tinh cải tiến của Iran làm tăng thêm sự lo ngại của các nước láng giềng và đối thủ của Iran, cũng như các quan chức quân đội và tình báo Mỹ.
Theo nguồn tin của The Washington Post, vài tháng đầu tiên sau khi phóng, Khayyam sẽ được Nga sử dụng để giám sát các cơ sở quân sự ở Ukraine, điều mà Iran bác bỏ, khẳng định, nước này sẽ hoàn toàn kiểm soát Khayyam ngay từ ngày đầu tiên.
Iran có cả chương trình vũ trụ dân sự và quân sự mà Mỹ lo ngại có thể được sử dụng để thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.