Đổi mới và lắng nghe

Sputnik dẫn kết quả cuộc điều tra dư luận xã hội về “Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” do Viện Dư luận xã hội triển khai vào cuối năm 2020, trong đó, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng đã “đạt được kết quả tích cực, đáng phấn khởi”.

Theo bài báo, trong suốt chiều dài lịch sử Đảng CSVN, trải qua các kỳ Đại hội, Đảng CSVN luôn cầu thị, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội của Đảng là tập hợp và phát huy trí tuệ, tâm huyết, quyền làm chủ của nhân dân, tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng, phát triển đất nước.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik về việc góp ý của nhân dân trong việc xây dựng chính sách, ông Phạm Trường Sơn- chuyên gia về lĩnh vực Phi lợi nhuận khu vực phía Nam, nói: “Trong nhiều năm trở lại đây, Đảng và Chính phủ cởi mở trong việc lắng nghe ý kiến của người dân nhằm hoàn thiện hơn nữa các Bộ luật. Ví dụ, Luật Lao động và Luật Giáo dục đã có nhiều thay đổi mới, phù hợp với thời đại và mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Chính sự đóng góp của người dân vào việc sửa đổi các dự luật cũng góp phần hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng chính sách công của Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, muốn sự nghiệp thành công thì phải lắng nghe ý kiến của dân. Ảnh: Congdoan.vn.

Đối với việc xây dựng chính sách công, lĩnh vực được Đảng và Nhà nước dành rất nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, trong tình hình thiên tai và đại dịch COVID-19, những đề xuất của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội, địa phương v.v. thể hiện rất rõ tinh thần, trách nhiệm của nhân dân đối với công việc chung của đất nước.

 “Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn,.. đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trước tình hình thiên tai và dịch bệnh COVID-19, việc công khai tham vấn ý kiến của người dân và cộng đồng về Dự thảo sửa đổi Nghị định này rất cần thiết.", ông Phạm Trường Sơn lưu ý.

Theo ông Sơn, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, việc dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc động viên nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.

Những con số ấn tượng

Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam dần ổn định bất chấp căng thẳng về địa chính trị, cạnh tranh thương mại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ hay gần đây nhất là đại dịch COVID-19, Sputnik nhận định

Theo bài báo, sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện rõ nét qua những con số cụ thể. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

leftcenterrightdel
Trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hành hoành, Việt Nam vẫn nằm trong số ít các quốc gia có tốc độ trăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Ảnh: Dangcongsan.vn. 

Tại Lễ khởi công Trung tâm đổi mới, sáng tạo Quốc gia ngày 9/1/2021 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Năm 2020, Việt Nam một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, đã thực hiện thắng lợi lục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì được mức tăng trưởng dương (+2,91%), nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ cao nhất thế giới”.

Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đánh giá: giá cả thị trường tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Tỷ lệ lạm phát bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự báo đạt 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 5,15%.

Bội chi và nợ công giảm so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 vẫn đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP. Mức độ chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

“Chìa khóa” tạo sự đột phá tăng trưởng

Sputnik nhìn nhận, định hướng xuyên suốt của Nghị quyết số 05-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương xây dựng tại Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XII là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam".

Có thể thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh- Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm, Việt Nam có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015.

Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hầu hết các doanh nghiệp này đều hoạt động trong ngành dịch vụ có tiềm năng, áp dụng khoa học, công nghệ cao như viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã phát triển vượt bậc, tạo chỗ đứng của mình trên trường thế giới như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) v.v.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi lớp trẻ hãy khởi nghiệp với tinh thần không sợ hãi. Ảnh: baodautu. 

Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (VIIE 2021) và Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội một lần nữa đánh dấu sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sớm nhận ra vai trò quyết định của đổi mới sáng tạo trong đổi mới mô hình tăng trưởng, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng cao - bền vững và tạo việc làm có chất lượng.

“Trong 20 năm trở lại đây, thực tế đã chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Vì lẽ này, đổi mới sáng tạo đã trở thành “chìa khóa thành công” và một trong những “lợi khí” quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược nêu trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại.

Biến “nguy” thành “cơ”

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cả thế giới lao đao. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, do có quyết sách ứng phó kịp thời và nhạy bén, “cú đứt gãy 2020” đã được Việt Nam tận dụng như một cơ hội hiếm có để tập trung phát triển nền kinh tế số, tăng cường nền tảng hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nữa. Theo đánh giá tại Diễn đàn Khoa học 2020 diễn ra gần đây, trong năm 2020, các tương tác, giao dịch trên mạng và thế giới ảo tăng độ biến so với trước đây.

Làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển khỏi một số quốc gia lớn về Việt Nam và các quốc gia khác. Đặc biệt, Việt Nam được coi là có cơ hội lớn nhất khi giữa những lợi thế về địa lý, thể chế và cả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “Sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn FDI chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so cùng kỳ năm 2019.

Hội nhập quốc tế mạnh mẽ

Năm 2020, Việt Nam đánh dấu 14 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Từ năm 2007 cho đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng hơn, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị khách quốc tế tại hội nghị “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)”. Ảnh: VGP. 

Điều này được thể hiện rõ nét qua những dấu mốc đột phá như: Việt Nam đã tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký hai hiệp định với tiềm năng rất lớn là EVFTA và RCEP về cả thị trường và sản phẩm xuất khẩu, hứa hẹn duy trì xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là việc ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển nhất của nhóm G7. Nhờ đó, tỷ trọng thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam tăng cao, đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Trong thế kỷ 21, các mối quan hệ chính trị - thương mại - xã hội trên thế giới đã hoàn toàn thay đổi, ẩn chứa nhiều bất ngờ và không ổn định. Điều này đòi hỏi chính phủ của các quốc gia phải có sự mềm dẻo khi xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là một minh chứng cụ thể về áp dụng linh hoạt chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vượt qua khó khăn, thách thức của thế kỷ để phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.

Huy Anh