Nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 sáng nay (28/12), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

leftcenterrightdel
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Ảnh:VGP 

Theo đó, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Trong khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân là 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%. Đây là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Về GDP, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc  tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4  trong ASEAN, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%)...

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan toả cao; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều DNNN được nâng lên. 12 dự án yếu kém của ngành Công thương được xử lý và đạt  kết quả bước đầu, một số dự án đã có lãi và giảm lỗ lũy kế; đưa 3 dự án ra khỏi danh  sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, về tình hình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 02/CP), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ảnh:VGP
“Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế có những thay đổi đáng kể và nhiều bảng xếp hạng không được công bố. Trong nước, thực hiện “mục tiêu kép”, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/CP không hề giảm. Thậm chí, nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó, nổi lên là tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực chính thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, khoảng cách phát triển giữa các vùng chậm được thu hẹp…

Đáng nói, cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm. “Còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.  Khiếu kiện về đất đai còn những vụ việc phức tạp, kéo dài.”- Phó Thủ tướng cho hay. 

Trong năm 2021, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam được đánh giá là quốc gia nhiều tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, cơ cấu dân số vàng; không gian phát triển rộng mở với 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Song, chúng ta cũng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức…

Từ những đánh giá trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu…

Nguyễn Anh