Giảm sốc do đại dịch COVID-19

Năm 2020, sự bùng phát toàn cầu của đại dịch COVID-19 là một thử thách cam go đối với các quốc gia trên thế giới. Những tác động kinh tế của COVID-19 đối với dự báo GDP của các quốc gia, tỷ lệ lạm phát và sự bất ổn kinh tế nói chung, làm giảm triển vọng dài hạn. 

Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới có trụ sở tại London, Anh, ước tính, tổng giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu quốc gia hàng đầu đã giảm 13,1 tỷ USD, từ 98 nghìn tỷ USD vào năm 2019 xuống 84,9 nghìn tỷ USD năm 2020, với hầu hết mọi quốc gia đều cảm thấy tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng sức khỏe đối với nền kinh tế của mình.

Và bởi vậy, xu hướng đi xuống của gần như tất cả các thương hiệu quốc gia có giá trị nhất thế giới không có gì đáng ngạc nhiên trong năm.

leftcenterrightdel
Bất chấp xu hướng toàn cầu, giá trị thương hiệu tăng ấn tượng 29%, lên 319 tỷ USD, mức tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm nay. Ảnh: Vneconomy.

Mỹ, mặc dù vẫn đứng vị trí thứ nhất, tuy nhiên đã ghi nhận mức giảm 14% giá trị thương hiệu, xuống còn 23,7 nghìn tỷ USD, sau một năm đầy biến động. Đây là quốc gia có nhiều ca bệnh và tử vong nhất do COVID-19.

Đứng vị trí số 2, giá trị thương hiệu của Trung Quốc cơ bản ổn định, song vẫn ghi nhận mức giảm 4% trong năm nay.

Ở top 10 thương hiệu quốc gia hàng đầu đã ghi nhận mức giảm giá trị thương hiệu trung bình là 14%. Nhật Bản ghi nhận mức giảm giá trị thương hiệu 6% xuống còn 4,3 nghìn tỷ USD và nhích lên để giành vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng. 

Vương quốc Anh vẫn giữ vị trí thứ 5, sau khi giá trị thương hiệu giảm 14% xuống còn 3,3 nghìn tỷ USD. 

Trong top 20, Ireland là thương hiệu quốc gia duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu, tăng 11% lên 670 tỷ USD, một minh chứng cho nền kinh tế có khả năng phục hồi được hỗ trợ bởi xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.

Argentina là thương hiệu quốc gia có mức sụt giảm giá trị thương hiệu sốc nhất, tới 57%, khi các trường hợp COVID-19 vượt mốc 1 triệu.

Việt Nam tăng trưởng cực ấn tượng

Giữa lúc giá trị thương hiệu của hầu như các quốc gia đều đồng loạt sụt giảm, bao gồm cả những quốc gia có giá trị thương hiệu hàng đầu, Brand Finance đánh giá, nổi lên như một thiên đường sản xuất của Đông Nam Á, Việt Nam bất chấp xu hướng toàn cầu, giá trị thương hiệu tăng ấn tượng 29%, lên 319 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm nay.

Với cú ngược dòng ngoạn mục này, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

leftcenterrightdel
Kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 góp phần quan trọng giúp Việt Nam dần phục hồi kinh tế. Ảnh: soytehatinh. 

Brand Finance nhìn nhận hiệu quả phòng, chống COVID-19 của Việt Nam, nơi ghi nhận số ca và tử vong do coronavirus ở mức thấp đáng kinh ngạc, đã nổi lên là một trong những địa điểm hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Mỹ, đang muốn chuyển địa điểm hoạt động từ một số quốc gia khác, sau thảm họa từ cuộc chiến thương mại. Các thỏa thuận thương mại gần đây với EU cũng đang hỗ trợ đáng kể sự phát triển của Việt Nam.

Ngoài việc đo lường giá trị thương hiệu quốc gia, Brand Finance cũng xác định sức mạnh tương đối của thương hiệu quốc gia thông qua thẻ điểm cân bằng gồm các chỉ số đánh giá mức độ đầu tư thương hiệu, giá trị thương hiệu và hiệu suất thương hiệu. 

Lần đầu tiên trong năm nay, phương pháp luận về sức mạnh thương hiệu quốc gia bao gồm kết quả của Chỉ số Sức mạnh mềm Toàn cầu - nghiên cứu toàn diện nhất về nhận thức thương hiệu quốc gia thông qua khảo sát ý kiến của hơn 55.000 người tại hơn 100 quốc gia. 

Theo các tiêu chí này, Đức là quốc gia có thương hiệu mạnh nhất thế giới với điểm số sức mạnh thương hiệu là 84,9 trên 100 và xếp hạng AAA tương ứng.

Huy Anh