Công bố báo cáo hàng năm của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho biết, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình thấp, với GDP bình quân đầu người được điều chỉnh theo PPP là 10.755 USD vào năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam được dự đoán sẽ giảm xuống 1,6% vào năm 2020, do ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19, giảm mạnh so với mức tăng trưởng GDP 7% được ghi nhận năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm được dự báo sẽ đạt mức trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
Biến động thứ hạng các nền kinh tế hàng đầu thế giới đến năm 2035. Nguồn: CEBR.

Trong 10 năm tới, CEBR dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6,6% mỗi năm. 15 năm tới sẽ chứng kiến kinh tế Việt Nam bứt phá ngoạn mục và sẽ chuyển từ vị trí 37 vào năm 2020 lên vị trí 19 vào năm 2035 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới.

Theo bảng xếp hạng của CEBR, năm 2020, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, đứng sau Đài Loan (21), Thái Lan (27), Philippines (32).

leftcenterrightdel
Diễn biến tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đến năm 2020 và dự báo đến năm 2035. Nguồn: CEBR. 

Tuy nhiên đến năm 2035, Việt Nam sẽ bỏ xa về quy mô kinh tế, vươn lên vị trí thứ 19 thế giới, vượt qua Thái Lan (vị trí 21), Philippines (vị trí 22) và Đài Loan (vị trí 26).

Trong khi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố dự báo đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình. JCER dự báo thu nhập đầu người Việt Nam sẽ là 11.000 USD năm 2035 và quy mô kinh tế sẽ lớn thứ hai trong vùng, chỉ sau Indonesia.

CEBR cũng dự báo, đến năm 2028, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt Mỹ, sớm hơn 5 năm so với dự đoán trước đó.

Huy Anh