Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank- WB), phát hành ngày 22/12, về COVID-19, nhìn nhận Việt Nam như một nhà vô địch về hiệu quả phòng, chống dịch.
Theo WB, nhìn ở tất cả các tiêu chuẩn, Việt Nam đã quản lý rất tốt cuộc khủng hoảng COVID 19. Số ca nhiễm và tử vong ở mức tối thiểu, với rất ít ca lây nhiễm cộng đồng kể từ giữa tháng 9. Việc kiểm soát và khống chế hiệu quả dịch COVID-19 là tiền đề quan trọng giúp phục hồi hoạt động kinh tế.
|
|
Việt Nam rất quyết liệt trong việc thực thi các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: baodanang. |
Bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và cuộc suy thoái toàn cầu chưa từng có, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2020. Mặc dù kết quả tăng trưởng này thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với thành tích những năm gần đây của cả nước, Việt Nam sẽ vẫn nằm trong vùng tăng trưởng tích cực, trong khi nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm ít nhất 4%.
WB lưu ý, ở Đông Á, chỉ có hai quốc gia khác là Trung Quốc và Myanmar dự kiến sẽ báo cáo tăng trưởng GDP tích cực trong năm nay.
Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam được giải thích bởi nội lực của cả nền kinh tế trong nước và các tác nhân bên ngoài. Sau ba tuần bị khóa toàn quốc vào tháng 4, hầu hết các hoạt động công nghiệp và dịch vụ đã phục hồi trở lại, khi người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước lấy lại niềm tin.
|
|
WB cho rằng, hiện nay, hầu hết người Việt Nam ở các đô thị lớn phải đeo khẩu trang khi ra đường, không chỉ là nỗi lo về COVID-19, mà còn do không khí ô nhiễm nặng, có nơi gấp 4 lần mức an toàn mà các cơ quan quốc tế khuyến cáo. Ảnh: thuongtruong. |
Khu vực tư nhân một mặt phản ứng tích cực với việc nới lỏng dần các biện pháp di chuyển và giãn cách xã hội, mặt khác cũng được tiếp sức từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa để hỗ trợ sự phục hồi của Chính phủ.
Sau ba năm củng cố tài khóa, các cơ quan chức năng đã hành động quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình đầu tư công, vốn đã tăng khoảng 40% từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giống như hầu hết các ngân hàng trung ương, chính sách tiền tệ phù hợp và các biện pháp cứu trợ tài chính tạm thời của NHNN Việt Nam mang lại không gian thở cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.
|
|
Việt Nam cũng là quốc gia dễ bị tổn thương do các tác động của biến đổi khí hậu, do vậy cần có những biện pháp đối phó hiệu quả. Ảnh: baodantoc. |
Tuy vậy, WB cũng đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần nỗ lực hơn trong việc đối phó với ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí, thứ đang giết chết khoảng 60.000 người mỗi năm; cũng như tác động của biến đổi khí hậu, với thực tế xói mòn bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở đất.
Loạt bão nhiệt đới gần đây ở miền Trung đã khiến hơn 240 người thương vong và 250 ngàn ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy, là một lời nhắc nhở đau đớn khác về sự dễ bị tổn thương của Việt Nam do biến đổi khí hậu.