Hôm 13/6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, một ngày trước đó, lực lượng tên lửa nước này đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) kiểu mới Hwasongpho-18 (hay Hwasong-18), một hệ thống vũ khí nòng cốt của lực lượng chiến lược đất nước.

Tin nhấn mạnh, đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy quyền tự vệ chính đáng nhằm bảo vệ an ninh đất nước và hòa bình khu vực một cách tin cậy khỏi thảm họa chiến tranh hạt nhân, cũng như ngăn chặn triệt để các động thái quân sự nguy hiểm của các thế lực thù địch.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng tên lửa  đạn đạo liên lục địa kiểu mới Hwasong-18 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

“Cuộc bắn thử là một quyết định quan trọng được tiến hành vào thời điểm nghiêm trọng khi tình hình an ninh quân sự trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực đã bước sang giai đoạn khủng hoảng hạt nhân vượt ra ngoài thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và đồng minh ngày càng gia tăng các hành động khiêu khích quân sự chưa từng có đối với Triều Tiên.”, tin viết.

KCNA cũng nhắc đến vụ phóng trong bối cảnh “tuyên bố Washington” trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 4 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kỷ niệm 70 năm liên minh Mỹ-Hàn, trong đó khẳng định cam kết đối với Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước, liên quan đến kế hoạch răn đe mở rộng cũng như đối phó hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân chỉ đạo và giám sát vụ phóng tại hiện trường. Nguồn: KCNA.

Mặt khác, Mỹ đã và đang có kế hoạch tăng cường hiện diện các khí tài chiến lược đến khu vực, bao gồm tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân trong khu vực. Bình Nhưỡng cho rằng, những bước đi như vậy đang đẩy căng thẳng đến “bờ vực chiến tranh hạt nhân” chưa từng có; đòi hỏi Triều Tiên phải nỗ lực thúc đẩy khả năng tự vệ, phòng thủ và tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.

Cuộc thử nghiệm nhằm tái khẳng định tính năng và độ tin cậy vận hành của hệ thống vũ khí ICBM kiểu mới và là một quá trình cần thiết nhằm phát triển hơn nữa lực lượng hạt nhân chiến lược, cho thấy khả năng tiềm tàng về sức mạnh vũ khí của Triều Tiên; đồng thời là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các đối thủ, KCNA viết, lưu ý, vụ thử không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của các nước láng giềng.

leftcenterrightdel
 Sự kiện đánh dấu vụ phóng ICBM nhiên liệu rắn thứ hai của Triều Tiên sau vụ phóng ngày 13/4. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân chỉ đạo và giám sát vụ bắn thử tại hiện trường.

Sự kiện đánh dấu vụ phóng ICBM nhiên liệu rắn thứ hai của Triều Tiên sau vụ bắn thử đầu tiên vào ngày 13/4.

KCNA tiết lộ, tên lửa bay đạt độ cao tối đa gần 6.650 km, bay được quãng đường hơn 1.000 km trong 4.491 giây, trước khi rơi chính xác xuống khu vực xác định ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông đất nước.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ vui mừng trước vụ phóng thành công. Ảnh: KCNA.

Theo chính phủ Nhật Bản, tên lửa được phóng về phía Biển Nhật Bản đã bay khoảng 74 phút trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi Hokkaido, đánh dấu thời gian bay dài nhất từ trước đến nay đối với một tên lửa do Triều Tiên từng phóng.

Hwasong-18 được lực lượng chiến lược của Triều Tiên trang bị và vận hành theo kế hoạch dài hạn xây dựng lực lượng hạt nhân nhà nước, đảm đương sứ mệnh là lực lượng chủ lực trong chiến lược răn đe và phòng thủ.

Theo các chuyên gia, nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa có thể bay hơn 15.000 km, có khả năng vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ.

Văn Phong/KCNA, Yonhap, Kyodo