Hôm 14/4, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, một ngày trước đó nước này đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới uy lực mang tên Hwasongpho-18.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp chỉ đạo và giám sát vụ phóng thử tại hiện trường.
Mục đích cuộc thử nghiệm được nói để xác nhận hiệu suất của động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy cao cho tên lửa nhiều tầng và độ tin cậy của công nghệ loại bỏ các tầng đẩy, cũng như các hệ thống kiểm soát chức năng khác nhau, đồng thời đánh giá tính khả thi của hệ thống vũ khí chiến lược mới.
|
|
ICBM nhiên liệu rắn thế hệ mới Hwasongpho-18 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Tin cho biết, để bảo đảm yêu cầu an ninh của các nước láng giềng và sự an toàn khi các tầng đẩy của tên lửa phân tách, cuộc thử nghiệm áp dụng chế độ bay quỹ đạo tiêu chuẩn cho giai đoạn đầu và chế độ thẳng đứng ở giai đoạn thứ hai và thứ ba.
Tầng đẩy đầu tiên của tên lửa đã rơi an toàn ở vùng biển cách bán đảo Hodo, huyện Kumya, tỉnh Hamgyong Nam 10 km và tầng đẩy thứ hai rơi ở vùng biển cách huyện Orang, tỉnh Hamgyong Bắc 335 km về phía Đông.
Theo KCNA, vụ bắn thử xác nhận tất cả các thông số của hệ thống vũ khí chiến lược mới, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thiết kế về độ chính xác, khẳng định ICBM thế hệ mới sẽ đóng vai trò là phương tiện tấn công chiến lược mạnh mẽ, có hiệu suất cao.
|
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp chỉ đạo và giám sát vụ phóng thử tại hiện trường. Ảnh: KCNA/Reuters. |
ICBM Hwasongpho-18 được lực lượng chiến lược Triều Tiên phát triển theo kế hoạch dài hạn xây dựng lực lượng hạt nhân nhà nước, đảm đương sứ mệnh và nhiệm vụ quan trọng với tư cách là phương tiện mạnh nhất, mấu chốt trong việc bảo vệ đất nước, ngăn chặn xâm lược và bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngày 13/4, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc, cho biết, đã phát hiện vụ phóng ở khu vực gần Bình Nhưỡng lúc 7h23’ sáng và tên lửa được bắn ở góc nghiêng, bay xa khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển.
|
|
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17. Ảnh: KCNA / Reuters. |
Vụ phóng của Triều Tiên khiến hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Nhật Bản cảnh báo tên lửa này có thể rơi gần đảo lớn Hokkaido ở miền Bắc. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản sau đó đã rút lại cảnh báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói với báo giới, tên lửa không rơi vào lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Tên lửa nhiên liệu rắn được biết là khó phát hiện hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng vốn tương đối mất nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị khai hỏa.
|
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng con gái theo dõi vụ phóng. Ảnh: Rodong Simun/ CNN. |
Theo chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Joseph Dempsey, một ICBM nhiên liệu rắn sẽ được nạp nhiên liệu trong quá trình sản xuất thay vì nạp tại bệ phóng như nhiên liệu lỏng và có thể di chuyển dễ dàng hơn để tránh bị phát hiện trước khi vụ phóng có thể bắt đầu trong vài phút.
Vào tháng 12, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho vũ khí chiến lược mới và trưng bày một ICBM thế hệ mới trong cuộc duyệt binh vào tháng 2.
Vụ thử tên lửa hôm 13/4 là vụ thứ 12 trong năm của Triều Tiên, diễn ra sau khi các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc hồi đầu tháng đã kết thúc cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong nhiều năm, bao gồm một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn.