Phóng tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản

Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định về phía biển Nhật Bản, nhưng vụ phóng dường như đã thất bại, quân đội Hàn Quốc cho biết hôm 23/11.

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn tên lửa từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng vào lúc 23h05’ hôm 22/11.

leftcenterrightdel
 Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự bằng tên lửa mới vào khuya ngày 21/11. Ảnh: KCNA.

Tin không cung cấp các thông tin chi tiết, cho biết, cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành phân tích vụ phóng.

Vụ phóng mới nhất diễn ra sau khi Hàn Quốc nối lại các hoạt động trinh sát và giám sát gần Khu phi quân sự giữa hai miền, đồng thời đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều năm 2018, để đáp trả vụ phóng vệ tinh do thám quân sự mới nhất của Triều Tiên vào khuya ngày 21/11.

Trước vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hôm 21/11, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson của Mỹ đã ghé căn cứ hải quân Hàn Quốc ở Busan, cách Seoul 320 km về phía đông nam.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng vệ tinh tối 21/11. Ảnh: KCNA.

Hôm 22/11, Triều Tiên thông báo vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 được phóng 1 ngày trước đó sẽ chính thức bắt đầu nhiệm vụ vào ngày 1/12, sau quá trình tinh chỉnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Hàn Quốc sau đó cho biết, vệ tinh trinh sát quân sự của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo, mặc dù JCS lưu ý cần thêm thời gian và phân tích để xác định xem liệu nó có hoạt động bình thường hay không.

Phản ứng của Triều Tiên sau khi Hàn Quốc đình chỉ thỏa thuận quân sự 2018

Hôm 23/11, hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Triều Tiên nói, việc nước này phóng vệ tinh trinh sát là một bước đi liên quan đến quyền tự vệ và thực thi chủ quyền hợp pháp, công bằng nhằm giám sát chặt chẽ và đối phó triệt để với các động thái quân sự, gây ra các mối đe dọa gia tăng xung quanh bán đảo Triều Tiên

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Trung tâm Kiểm soát chung thuộc Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NATA). Nguồn: KCNA.

Tuy nhiên Hàn Quốc lại coi quyền hợp pháp của Triều Tiên là hành động bất hợp pháp và vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, vi phạm thỏa thuận quân sự hai miền.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố, kể từ nay, quân đội nước này sẽ “không bị ràng buộc” bởi thỏa thuận quân sự liên Triều ký giữa 2 miền ngày 19/9/2018; tuyên bố từ chối giao thiệp với Hàn Quốc; cảnh báo Seoul sẽ phải “trả giá đắt cho những hành động khiêu khích chính trị và quân sự vô trách nhiệm và nghiêm trọng đã đẩy tình hình hiện nay đến giai đoạn không thể kiểm soát”.

leftcenterrightdel
 Trung tâm Kiểm soát chung thuộc Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA). Nguồn: KCNA.

Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ lập tức khôi phục mọi biện pháp quân sự đã bị tạm dừng theo thỏa thuận quân sự 2 miền năm 2018; hủy bỏ các bước quân sự được thực hiện nhằm giảm căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi lĩnh vực bao gồm trên bộ, trên biển và trên không; đồng thời tăng cường triển khai các lực lượng vũ trang với khí tài quân sự tối tân nhất dọc theo đường phân định quân sự.

Tuyên bố nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột không thể cứu vãn giữa 2 miền.

Văn Phong/Yonhap, KCNA, Kyodo