Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và đang kỳ vọng những bước cụ thể tiếp theo theo hướng này, tuyên bố của đại diện chính thức của Tổng Thư ký LHQ Stefan Dujarrik cho biết.

"Tổng Thư ký hoan nghênh tuyên bố chung của các quốc gia có vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và một cuộc chạy đua vũ trang. Ông mong muốn được nhìn thấy những hành động cụ thể về các sáng kiến trong tương lai.", ông Dujarrick nói, nhấn mạnh, Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao việc các cường quốc hạt nhân nhận thức sự cần thiết phải tuân thủ các nghĩa vụ của họ trong lĩnh vực không phổ biến, giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí, bao gồm các nghĩa vụ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) liên quan đến giải trừ vũ khí hạt nhân.

leftcenterrightdel
Hậu quả nặng nề sau khi Mỹ ném quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản ngày 6/8/1945. Ảnh: AP. 

Trước đó, hôm 3/1, các nhà lãnh đạo của 5 cường quốc hạt nhân, đồng thời là các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp đã ra tuyên bố về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và không cho phép diễn ra chiến tranh giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

"Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp coi đó là trách nhiệm chính của mình trong việc ngăn chặn chiến tranh giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược.", tuyên bố cho biết.

Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh, với sức hủy diệt khủng khiếp, chiến tranh hạt nhân gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, cũng như không có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và vì vậy nó không bao giờ được phép xảy ra.

leftcenterrightdel
Vũ khí hạt nhân gây hậu quả hủy diệt tàn khốc và sâu rộng đối với loài người, do vậy không có bên chiến thắng và không được phép xảy ra. Ảnh: old.iranint

“Vì việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng tái khẳng định vũ khí hạt nhân chừng nào còn tồn tại, chỉ nên phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn xâm lược và chiến tranh. Chúng tôi tin rằng phải chấm dứt việc phổ biến vũ khí này hơn nữa.”, lãnh đạo 5 quốc gia hạt nhân tuyên bố.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh "mong muốn làm việc với tất cả các quốc gia để tạo ra một môi trường an ninh thuận lợi hơn cho tiến trình giải trừ quân bị với mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân với an ninh không bị hạn chế cho tất cả mọi người".

"Chúng tôi dự định tiếp tục tìm kiếm các cách tiếp cận ngoại giao song phương và đa phương để tránh đối đầu quân sự, tăng cường sự ổn định và khả năng dự đoán, tăng cường hiểu biết và củng cố lòng tin lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không có lợi và gây nguy hiểm cho tất cả. Chúng tôi quyết tâm theo đuổi đối thoại mang tính xây dựng với sự tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các mối quan tâm và lợi ích an ninh của nhau.”, tuyên bố nêu rõ.

Theo đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, tuyên bố hạt nhân ngày 3/1 được chuẩn bị theo sáng kiến của Nga.

Văn Phong/RIA, Sputnik