Trong bài phát biểu vào đêm 7/11, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky kêu gọi cộng đồng quốc tế “buộc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực sự”.

Ông Zelensky cũng đưa ra các điều kiện để có thể đi tới đối thoại, bao gồm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, tôn trọng Hiến chương LHQ, bồi thường mọi thiệt hại do chiến tranh gây ra, trừng phạt các tội phạm chiến tranh và đảm bảo rằng điều này sẽ không tái diễn.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine là một sự thay đổi so với tuyên bố vào cuối tháng 9, từ chối đàm phán với Tổng thống Nga, sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine.

Nó cũng được đưa ra vài ngày sau khi truyền thông Mỹ nói, Washington đã khuyến khích Kyiv phát tín hiệu sẵn sàng cho các cuộc đàm phán vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tại nước này (8/11), sự kiện mà kết quả có nó có ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ của phương Tây, bao gồm các vấn đề hỗ trợ vũ khí và viện trợ

leftcenterrightdel
 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu về khả năng đàm phán hòa bình với Nga. Ảnh: AP / Efrem Lukatsky.

Nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể trở nên khó khăn hơn trong việc thúc đẩy các gói hỗ trợ quân sự lớn và viện trợ khác cho Ukraine.

Nga và Ukraine đã tổ chức một số vòng đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu trong cuộc chiến. Các cuộc đàm phán bị đình trệ sau cuộc gặp cuối cùng, được tổ chức tại Istanbul vào tháng Ba, không mang lại kết quả.

Trong phát biểu vào đêm 7/11, ông Zelensky cho biết, Kyiv đã liên tục đề xuất đàm phán tuy nhiên họ luôn nhận được “phản ứng điên cuồng” của Nga với các cuộc “tấn công khủng bố mới”, pháo kích hoặc đe dọa.

Nhà lãnh đạo Ukraine gần đây đã từ chối đàm phán với người đồng cấp Nga Putin, sau khi Moscow sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào cuối tháng 9. Trước đó, ông Zelenskyy đã nhiều lần kêu gọi một cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Nga. 

Hôm 7/11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại lập trường của Moscow, nước này sẵn sàng đàm phán nhưng Kyiv đã từ chối. Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không đàm phán về lãnh thổ đã sáp nhập từ Ukraine.

leftcenterrightdel
 Cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra khốc liệt khi Nga tiến hành các cuộc không tấn công quy mô nhắm vào hạ tầng năng lượng của Kyiv. Ảnh: AP / Efrem Lukatsky.

Ngày 8/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Andrei Rudenko, nóih, Moscow không đặt ra bất kỳ điều kiện nào để nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine, cáo buộc Kyiv “thiếu thiện chí”.

“Đó là sự lựa chọn của họ, chúng tôi luôn tuyên bố sẵn sàng cho những cuộc đàm phán.”, ông Rudenko nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Repubblica, Ý được đăng tải hôm 8/11, cố vấn của Tổng thống Zelensky, Mykhailo Podolyak, cho biết, “đối thoại sẽ chỉ có thể thực hiện được khi lực lượng Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine”.

Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine, Oleksiy Danilov, cũng tuyên bố, việc khôi phục biên giới Ukraine là tiền đề cho các cuộc đàm phán; nhấn mạnh, Kyiv cần sự “bảo đảm” của hệ thống phòng không hiện đại, máy bay, xe tăng và tên lửa tầm xa.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 8/11, tờ La Stampa đưa tin, Vatican sẵn sàng đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv và đề nghị sử dụng lãnh thổ của mình làm địa điểm trung lập cho các cuộc gặp, trong đó Mỹ, EU.., cũng có thể tham gia.

Vatican đã nhiều lần nhấn mạnh, Tòa thánh sẵn sàng làm mọi thứ có thể để thiết lập đối thoại giữa Nga và Ukraine. 

Trước đó TASS trích dẫn các nguồn tin từ Vatican, nói, không có tin tức nào về khả năng có cuộc gặp giữa Đức Giáo hoàng và Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà Giáo hoàng đang kỳ vọng.

Văn Phong/AP, Reuters, TASS