Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình ở Ukraine, RIA dẫn nguồn từ Điện Kremlin đưa tin hôm 28/2.

Ông Putin nhấn mạnh, vấn đề có thể được giải quyết "chỉ khi lợi ích hợp pháp của Nga về an ninh quốc gia được tính đến một cách vô điều kiện", bao gồm công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, phi quân sự hóa và đảm bảo quy chế trung lập của Ukraine.

leftcenterrightdel
Các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine đã được Tổng thống Nga Putin đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Macron. Ảnh: Telegraph.

Theo Aljazeera, sự đảm bảo về tính trung lập của Ukraine, có nghĩa Kyiv sẽ không bao giờ gia nhập NATO, cũng là điều Nga tìm kiếm trong cuộc đàm phán Nga-Ukraine kéo dài 5 giờ đồng hồ vào chiều ngày 28/2; trong khi phía Ukraine kỳ vọng một lệnh ngừng bắn cũng như rút quân của Nga.

Chưa có thông tin chính thức nào được đưa ra sau cuộc đàm phán đầu tiên giữa Moscow và Kyiv kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Bày tỏ sau đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, Kyiv chưa nhận được kết quả mong muốn từ cuộc đàm phán với Moscow; cho biết sẽ phân tích những vấn đề hai bên đã thảo luận để quyết định cách thức tiến hành vòng đàm phán thứ hai.

leftcenterrightdel
Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra ở Gomel trên biên giới Belarus- Ukraine. Ảnh: Alexander Kryazhev/ POOL / TASS.

Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky cho biết, các bên nhất trí tiếp tục tiến trình đàm phán và cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra trong những ngày tới tại biên giới Ba Lan - Belarus.

Trong một diễn biến liên quan, công bố hôm 1/3 cho biết, Liên minh châu Âu EU đã đưa thêm 26 công dân Nga vào “danh sách đen”, bao gồm thư ký báo chí của Tổng thống Dmitry Peskov và nhiều doanh nhân, tài phiệt Nga.

leftcenterrightdel
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Kyiv chưa nhận được kết quả mong muốn từ cuộc đàm phán. Ảnh: Sergei Kholodilin / BELTA / AFP.  

Trong danh sách này còn có  Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko, Bộ trưởng Xây dựng và Nhà ở Irek Faizullin, Bộ trưởng Giao thông vận tải Vitaly Savelyev, Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Andrey Turchak, cùng một số nhà báo và sĩ quan quân sự cấp cao Nga.

Các cá nhân trong danh sách đen bị cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu, trong khi tài sản của họ tại đây sẽ bị đóng băng.

Ngoài các cá nhân, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với Công ty Bảo hiểm Sogaz, nơi Gazprom là cổ đông lớn nhất.

Cũng hôm 1/3, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia cho biết, Mỹ đã chỉ định 12 nhà ngoại giao từ phái bộ Nga tại LHQ là “những người không được chào đón” và yêu cầu họ rời đi trước ngày 7/3.

Văn Phong (Tổng hợp từ truyền thông Nga, Alja, Interfax)